Có diện tích trồng mía lên đến 25.000 héc ta, trong niên vụ mía 2017-2018 này, các nhà máy đường ở tỉnh Phú Yên đã chế biến được gần 118 ngàn tấn đường.
Ở các huyện miền núi của tỉnh Phú Yên, mía là cây trồng chủ lực từng giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Nhưng 3 năm trở lại đây, giá đường liên tục xuống thấp, kéo theo nhà máy thu mua mía nguyên liệu trên ruộng chậm và giá cũng giảm mạnh so với trước. Trong khi đó, chi phí vận chuyển, phân bón, thuốc trừ sâu và công thu hoạch tăng cao khiến cho người trồng mía không có lãi, thậm chí là lỗ chi phí đầu tư. Trên thực tế có không ít diện tích trồng mía bị nông dân phá bỏ, chuyển sang cây trồng khác, làm tăng nguy cơ phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu cho cây trồng này.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường, giải quyết lượng đường tồn đọng ở các nhà máy, mới đây Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giảm thuế VAT đối với mặt hàng đường từ 5% xuống còn 0%; kiến nghị các Bộ ngành Trung ương xem xét cơ chế áp thuế nhập khẩu và kiểm soát chất lượng đối với các chất tạo ngọt được phép sử dụng thay thế đường.