Chính quyền thị xã Hội An và tỉnh Quảng Nam cũng đã tốn hàng chục tỷ đồng, áp dụng nhiều giải pháp như làm kè mái ta-luy bằng tấm lát bê tông, xử lý sạt lở bằng các bao hạt nhựa nhằm chống xâm thực. Tuy nhiên, hiện tượng xâm thực và sạt lở vẫn tiếp diễn, hiện nay chân móng bờ kè bị rỗng và tình trạng này sẽ vô cùng nguy hiểm trong mùa mưa năm nay. Do vậy, lãnh đạo thành phố Hội An đã đưa ra phương án tiếp tục khắc phục sạt lở kè biển Cửa Đại trước khi mùa mưa về.
Một đoạn kè cứng khu vực biển Cửa Đại đang được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Hội An sửa chữa từ đầu tháng 7 đến nay. Tuy nhiên, việc khắc phục này cũng chỉ mang tính tạm thời, đối phó, hư đâu sửa đó nhằm giảm tình trạng sạt lở và xâm thực vào mùa mưa. Bởi, hiện nay ngoài giải pháp kè cứng vẫn chưa có giải pháp hiệu quả lâu dài thay thế. Chính sự lúng túng kéo dài mà trên tuyến đường bảo vệ kè biển đã có 6 điểm sạt lở như đoạn kè chỉ cách đường dân sinh Âu Cơ chưa đầy 20m, nếu như không được khắc phục kịp thời, sau vài con sóng thì biển sẽ nuốt chửng cả khu vực.
Trong khi chờ đợi một giải pháp lâu dài, mùa mưa năm nay Hội An tiếp tục chọn phương án sửa chữa kè biển Cửa Đại theo 2 bước: Giai đoạn 1 sửa chữa các vị trí hư hỏng, tháo dỡ các khối bê tông và phần hệ dầm đã bị sụt lún. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng các kè mỏ hàn tạo bồi, giảm sóng trước chân kè bằng đá hộc, đồng thời xây dựng các tuyến đê giảm sóng phía ngoài để hạn chế áp lực sóng tác động đến tuyến kè. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 27 tỉ đồng.
Giải pháp này sẽ giúp kè biển Cửa Đại giảm sạt lở vào mùa mưa năm nay; nhưng có một câu hỏi là không biết đến bao giờ đề xuất nuôi bãi tạo bờ bằng phương pháp kè mềm ngầm theo đề xuất của nhiều chuyên gia sẽ được triển khai tại đây, để cho mỗi mùa mưa đến người dân nơi Cửa Đại - một dải bờ biển quý giá của vùng ven Hội An không phải thấp thỏm khi sạt lở vẫn tiếp diễn và tiền của Nhà nước đầu tư kè chắn vẫn như muối bỏ biển.