Chủ trương này đã góp phần tinh gọn cơ cấu bộ máy từ cơ sở, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong tổ chức thực hiện, phát huy vai trò nòng cốt "Đảng trong dân". Tuy nhiên, cho đến nay việc thực hiện chủ trương này tại một số địa phương thí điểm vẫn còn ì ạch, nếu không muốn nói là có những "điểm nghẽn" khó thông suốt và cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ để giải quyết.
Thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, trừ trường hợp của huyện Đại Lộc, đến nay toàn tỉnh Quảng Nam mới chỉ thực hiện đạt xấp xỉ 28%. Nguyên nhân của thực trạng này là mức phụ cấp quá thấp cho những chức danh kiêm nhiệm nên ít cán bộ mặn mà với vị trí mới, đặc biệt là các địa phương miền núi, vốn đòi hỏi trưởng thôn, trưởng bản lại là những người cao niên có uy tín và phải là Đảng viên,..
Bên cạnh những ưu việt như tăng hiệu quả trong việc điều hành, triển khai các nhiệm vụ tại khu dân cư; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tinh giảm được số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp thôn,.. mô hình cán bộ "hai vai" cũng còn đó không ít lo lắng.
Sở dĩ Đại Lộc là đơn vị duy nhất tại tỉnh Quảng Nam về đích sớm trong việc thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ và trưởng thôn là do Đại Lộc quán triệt phương thức "Đảng cử, dân tin", tức là bầu trưởng thôn trước rồi mới giới thiệu cán bộ trúng cử trưởng thôn để tiếp tục ứng cử bầu chức danh bí thư chi bộ. Đây cũng là kinh nghiệm để các địa phương khác áp dụng trong quá trình cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy.