Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý hiếm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng. Tuy nhiên, địa bàn phân bổ chủ yếu loại cây thuốc quý này chỉ tập trung vài thôn thuộc xã Trà Linh của huyện Nam Trà My và vài khu vực thuộc huyện Tu Mơ Rông – Kon Tum. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh vào năm 2015, tỉnh Quảng Nam đã tiến hành di thực cây sâm Ngọc Linh từ xã Trà Linh ra nhiều xã khác của huyện Nam Trà My. Đây được xem là hướng thoát nghèo rất hiện thực cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số của huyện nghèo Nam Trà My.
Mở rộng diện tích trồng sâm, di thực cây sâm ra 7 xã, khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn sâm giống. Đầu tư bài bản, Trung tâm sâm Ngọc Linh đã nhân giống thành công hàng vạn cây sâm con theo hình thức nuôi cấy mô. Khi có được nguồn giống, huyện Nam Trà My cấp phát cho người dân để mở rộng diện tích trồng sâm; khẩn trương di thực cây sâm từ vùng sâm gốc xã Trà Linh ra 7 xã có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp.
Theo đánh giá của các chuyên gia và người trồng sâm, việc di thực đã thành công. Cây sâm sinh trưởng tốt, dược tính cũng đảm bảo. Chỉ sau 3 năm, nhiều hộ gia đình xã Trà Nam, Trà Cang, Trà Don đã thoát nghèo nhờ vào thu hoạch hạt sâm.
Tỉnh Quảng Nam cũng đã trồng thể nghiệm sâm Ngọc Linh tại một số huyện miền núi và kết quả rất khả quan. Tỉnh này kỳ vọng cây sâm sẽ là cây trồng chủ lực giúp người dân vùng núi làm giàu. Di thực thành công, Bộ khoa học Công nghệ vừa cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý đối với cây sâm Ngọc Linh tại 7 xã thuộc huyện Nam Trà My. Với giá sâm hiện nay từ 60 đến 100 triệu đồng một ký, hầu hết bà con đồng bào dân tộc thiểu số đang ủng hộ mở rộng trồng sâm.