Tại Quảng Nam, những năm qua, xã Bình Quế (huyện Thăng Bình) nỗ lực khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng để góp phần nâng cao thu nhập. Tận dụng diện tích đất vườn đồi khá rộng, nhiều hộ dân tại xã Bình Quế đã phát triển mô hình trồng tiêu nông sản. Hiện toàn xã Bình Quế có khoảng 200 hộ trồng tiêu với tổng số lượng gần 10.000 chói tiêu, tập trung chủ yếu tại các thôn Bình Phụng, Bình Hội. Trong đó hơn 80% diện tích lần đầu cho thu hoạch.
Tuy nhiên, gần một tháng nay, nhiều diện tích tiêu của xã đồng loạt vàng lá, héo ngọn và chết đồng loạt gây tâm lý hoang mang cho bà con. Nhiều hộ trồng tiêu cho biết do trồng tự phát, chưa được trang bị kỹ thuật đầy đủ nên thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý khi tiêu xảy ra dịch bệnh. Hậu quả là sau ít nhất 3 năm tập trung vốn liếng, dày công chăm sóc, giờ đây nhiều gia đình trồng tiêu đành chịu cảnh trắng tay. Chưa kể số tiền lãi thu về từ vụ tiêu này, nhiều hộ đã mất đi khoảng chi phí ban đầu 1 triệu đồng trên mỗi chói tiêu. Hiện người dân trăn trở làm thế nào giải quyết khoảng nợ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng được vay mượn từ ngân hàng để đầu tư ban đầu cho mô hình.
Năm 2017, xã Bình Quế đưa cây tiêu vào đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân trong xã giai đoạn 2017 - 2021 và trích 100 triệu đồng từ nguồn vốn nông thôn mới hỗ trợ cho các hộ trồng tiêu. Trong thời gian đến, để cây tiêu thực sự trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân cải thiện thu nhập cần có sự quan tâm hơn nữa từ các ngành chức năng, đặc biệt trong việc trang bị cho hộ trồng tiêu kỹ thuật nuôi trồng và phương pháp chăm sóc.