Theo đề xuất của ngành văn hoá Quảng Ngãi, phương án thực hiện thăm dò ở vị trí cách bờ khoảng 6 km, trên diện tích 1.000 m2, trong vòng 15 ngày. Các thiết bị hỗ trợ như một sà lan nổi cùng với máy thổi, máy hút bùn cát, máy quay phim và chụp hình dưới nước, máy lặn, đồ lặn... sẽ được đưa ra khu vực trục vớt.
Nhóm thợ lặn gồm 8-10 người có chứng chỉ lặn chuyên nghiệp, đã từng trục vớt các dự án tương tự. Nhóm thợ sẽ kết hợp robot lặn, dùng đèn soi chiếu dưới nước, quay camera bề mặt hiện trạng khu vực đáy biển cần khảo sát. Dựa trên hình ảnh cung cấp, cán bộ kỹ thuật ra quyết định và hướng dẫn thợ lặn các bước tiếp theo. Kết quả khảo sát là cơ sở để thành lập hội đồng đánh giá và xây dựng phương án khai quật, thu hồi toàn bộ cổ vật trên tàu.
Trước đó, cách đây gần 1 tháng, trong lúc tuần tra, Hải đội 2, bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện một số ngư dân lặn trái phép và thu giữ lượng gốm sứ cổ gồm 40 dĩa, tô cổ ở khu vực gần mũi Gành Yến, thuộc thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn. Số cổ vật được xác định có nguồn gốc từ các lò gốm vùng Chương Châu (Nam Trung Hoa), niên đại ở thế kỷ 16-17 thuộc thời Minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!