Trong 2 ngày 14 và 15/5, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn người dân xã Trà Sơn - địa phương vừa phát hiện dịch lở mồm long móng trên đàn trâu, bò khẩn trương phòng, dập dịch, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Theo đó, Trà Sơn là xã đầu tiên của huyện Trà Bồng phát hiện đàn gia súc bị nhiễm bệnh vào ngày 10/5. Khi phát hiện bệnh chỉ có 3 con bò bị mắc, nhưng đến thời điểm này, toàn xã Trà Sơn có gần 50 con trâu, bò mắc bệnh. Gia đình anh Hồ Văn Phùng, xã Trà Sơn có 4 con bò bị dịch bệnh, ngay khi phát hiện anh Hùng đã báo với cơ quan chức năng và tập trung vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi để tránh bệnh lây lan.
"Với những con bò bị bệnh thì nhốt cách ly với những con không mắc bệnh. Dùng thuốc rửa sạch sẽ, dùng chanh chà vào mồm bò, cho bò ăn uống đầy đủ. Rải vôi ở khu vực chuồng trại. Đến nay đàn bò cũng đã bớt bệnh".
Ông Võ Sỹ Phi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Bồng, cho hay, qua kiểm tra đã phát hiện dịch lở mồm long móng đang lây lan mạnh, nên huyện đã khẩn trương đến từng hộ gia đình để hướng dẫn người dân cách điều trị bệnh, vệ sinh môi trường. Đối với huyện Trà Bồng, do đã hết mùa lúa nên hiện người dân thường thả rông trâu, bò ở các cánh đồng nên bệnh dễ lây lan mạnh.
Để nhanh chóng khống chế dịch bệnh, huyện đã khuyến cáo, vận động người dân hạn chế thả rông trâu bò và phải theo dõi sát, thường xuyên tiêm phòng và chữa trị ngay khi phát hiện bệnh. Huyện cũng đã cấp gần 4.000 liều vắc xin lở mồm long móng để tiêm cho đàn gia súc xã Trà Sơn và các xã lân cận.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm 2018 đến nay toàn tỉnh có 10 huyện có gia súc, gia cầm mắc bệnh lở mồm long móng với tổng số gia súc mắc bệnh là gần 500 con, gồm trâu, bò, lợn.
Để chủ động trong chống dịch, đảm bảo các ổ dịch được dập tắt hoàn toàn, không tái phát lây lan ra diện rộng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã yêu cầu các sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố phải tập trung chỉ đạo, tăng cường quản lý các ổ dịch chưa qua 21 ngày, giám sát phát hiện trường hợp các ổ dịch cũ tái phát hoặc các ổ dịch mới phát hiện và báo cáo nhanh cho Trạm Chăn nuôi và Thú y theo quy định.
Cùng đó, tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường trong vùng dịch; tổ chức lực lượng thường trực, bố trí sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động xử lý khi có dịch xảy ra, không để lây lan ra diện rộng; thành lập đội kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh động vật và sản phẩm động vật, cơ sở giết mổ và các hộ chăn nuôi gia súc, đặc biệt là các cơ sở mua bán gia súc giống để hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bắt buộc trong vùng dịch như mua bán, vận chuyển, giết mổ,.. gia súc và xử phạt hành chính các trường hợp cố tình vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh.