Hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã ban hành nhiều cơ chế chính sách cụ thể nhằm bảo tồn và từng bước nhân rộng. Từ đây, sâm Ngọc Linh không chỉ góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo mà còn giúp đồng bào các dân tộc tại các địa bàn trồng sâm làm giàu khá nhanh.
Đến nay, trên địa bàn 7 xã vùng cao huyện Nam Trà My đã có hơn 2 ngàn hộ dân trồng sâm Ngọc Linh, với tổng diện tích trên 2.200 hecta. Điểm chung của hàng ngàn hộ có sâm Ngọc Linh là tất cả bà con đều thoát nghèo rất bền vững, và đang từng bước làm giàu. Thậm chí, đã bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều "tỷ phú sâm Ngọc Linh". Bằng chứng là những ngôi nhà tiền tỷ đã bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều ở vùng cao này.
Cùng với hàng ngàn hộ dân, hiện cũng đã có hơn 30 doanh nghiệp đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng và tiếp tục liên kết với người dân địa phương để trồng sâm Ngọc Linh. Đến nay diện tích đã trồng ở hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã xấp xỉ 10 ngàn hecta. Trên cơ sở đó, Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh đã được xây dựng và kỳ vọng sẽ đưa dược liệu quý hiếm này thành một ngành công nghiệp "tỷ đô", tạo nên thương hiệu sâm Việt Nam trong một tương lai gần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!