Đắk Lắk là địa phương có số ca mắc tay chân miệng nhiều nhất tại Tây Nguyên với 1.700 ca, tiếp đến là Lâm Đồng và Đắk Nông.
Theo bác sỹ Phạm Ngọc Thanh, Phó Trưởng Khoa Dịch tễ - Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, nguyên nhân bệnh tay chân miệng gia tăng tại Tây Nguyên là do diễn biến thời tiết bất thường, mưa nhiều, thuận lợi cho vi-rút gây bệnh tay chân miệng phát triển. Bên cạnh đó, tại các vùng nông thôn,người dân còn thiếu kiến thức phòng chống bệnh tay chân miệng. Đây là bệnh rất dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt ở những điểm sinh hoạt tập thể như trường học.
Để phòng chống bệnh tay chân miệng, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã ban hành các văn bản, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật, tập huấn phòng chống tay chân miệng cho cán bộ y tế cơ sở. Viện chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh Tây Nguyên giám sát khoanh vùng, xử lý ngay các ổ bệnh mới phát sinh, ngăn chặn không để bệnh lây lan.
Ngành Y tế các tỉnh Tây Nguyên tăng cường truyền thông phòng chống bệnh tay chân miệng trong cộng đồng, hướng dẫn người dân vệ sinh nhà ở, môi trường sạch sẽ, thông thoáng, rửa tay cho trẻ bằng xà phòng; vệ sinh sát trùng đồ chơi cho trẻ bằng các chất tẩy rửa; cách ly, không để trẻ bị mắc tay chân miệng đi học để tránh lây lan.