Tây Nguyên đang xuất hiện những điểm nóng về tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất rừng. Hậu quả là rừng liên tục bị phá bằng cách này hay cách khác. Một phần do lâm tặc lấy gỗ, do buông lỏng từ lực lượng kiểm lâm. Nhưng có một sự thật khác rất đáng lo ngại, đó là giao đất rừng tùy tiện, các nông trường và doanh nghiệp sử dụng sai mục đích. Trong khi đó người dân thì bức xúc vì mất đất sản xuất do bị thu hồi đất rừng.
Những lỗ hổng trong quản lý đã khiến cho mâu thuẫn giữa các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp tại Tây Nguyên ngày càng gia tăng. Hậu quả là đã từng xảy ra những vụ tranh chấp đất rừng, đỉnh điểm là các sự vụ tấn công nhau bằng hung khí, vũ khí gây chết người. Cụ thể như vụ ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) cách đây hơn 1 năm làm 3 người chết 13 người bị thương, và mới đây là vụ ở Ea Súp (Đắk Lắk) làm một số người thương vong. Đáng nói hơn khi tình trạng mâu thuẫn này vẫn diễn ra âm ỉ trên nhiều địa phương ở Tây Nguyên, chưa được xử lý dứt điểm.
Sự nhùng nhằng và thiếu minh bạch trong việc giao đất hay cho thuê đất đã dẫn đến tình trạng tranh chấp như trên. Điều này diễn ra khá phổ biến ở vùng này. Câu hỏi đặt ra là liệu rừng sẽ được bảo vệ và phát triển thế nào nếu không có ai thực sự làm chủ đất rừng?
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, kết quả kiểm tra vào cuối năm 2017 cho thấy các cấp được giao quản lý đất rừng đã không làm tốt nhiệm vụ của mình. Đây là nguyên nhân tài nguyên rừng bị xà xẻo, sử dụng sai mục đích, gây chồng lấn và mâu thuẫn giữa các chủ sở hữu .
Trong khi các vụ việc lâm tặc phá rừng chưa có dấu hiệu giảm đi như mong muốn thì việc các công ty lâm nghiệp sử dụng rừng và đất rừng được giao sai mục đích đang ngày càng làm cho rừng bị mất đi. Điều này không chỉ diễn ra ở Tây Nguyên mà còn nhiều địa phương trên toàn quốc. Lâm tặc phá rừng đã khó kiểm soát giờ thì doanh nghiệp lợi dụng cơ chế để phá rừng càng khó kiểm soát hơn. Rừng vẫn đang tiếp tục chảy máu bất chấp những nỗ lực và quyết tâm chính trị.