Từ xa xưa, cùng với nhiều làng quê khác, ở xã đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) đã hình thành phong tục độc đáo hái lá mùng 5. Họ làm theo quan niệm của người xưa, cho rằng lá cây hái vào đúng ngọ (12 giờ trưa) vào ngày mùng 5/5 âm lịch, là lúc dương khí mạnh nhất, có được tinh túy của đất trời nên có công dụng chữa được nhiều thứ bệnh. Lá mùng 5 có rất nhiều loại và mỗi vùng lại khác nhau một chút, nhưng người Cù Lao Chàm thường hay cắt các loại lá có sẵn trên núi để nấu nước uống với mong muốn chữa bệnh.
Cách chế biến lá mùng 5 khá đơn giản. Khi hái hoặc mua ở chợ về, băm nhỏ ra, trộn đều rồi phơi qua hai ba nắng cho khô để cất vào bao dùng dần. Khi dùng thì lấy lá nấu nước như nấu nước chè hoặc làm theo cách pha trà.
Ngày nay ở nhiều nơi, tục hái lá mùng 5 thưa dần. Nhưng với người Cù Lao Chàm, thói quen này vẫn được duy trì, thậm chí lá mùng 5 trở thành một sản phẩm kinh tế trên đảo. Tại đây, họ bán lá mùng 5 hoặc nấu nước đóng chai bán cho du khách. Do đặc trưng của vùng đất mà cây lá rừng của xã đảo cũng thơm hơn, và nước nấu ra mang mùi thơm của những vị thuốc nam.
Tục hái lá thuốc mùng 5 như một lời nhắc nhở về giá trị của những cây thảo dược sẵn có ở miền Trung và về một nét văn hóa độc đáo cần được tiếp tục lưu giữ và bảo tồn.