TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Thận trọng khi sáp nhập các đơn vị hành chính

Đỗ Vinh, Đình Quốc, Mai KhươngCập nhật 14:41 ngày 22/03/2024

VTV.vn - Sáp nhập đơn vị hành chính là chủ trương lớn phù hợp với thực tế, nhưng khi triển khai sẽ tác động trực tiếp đến nhiều mặt của xã hội và vì vậy cần hết sức thận trọng.

Nhằm tinh gọn bộ máy, hoạt động có hiệu quả và tiết kiệm, các tỉnh, thành trên cả nước triển khai Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Từ phương án tổng thể của 56 tỉnh, thành trên cả nước cho thấy, tổng số huyện được sắp xếp 50 đơn vị và 1.243 đơn vị cấp xã. Sau khi sắp xếp lại sẽ giảm được 619 đơn vị hành chính cấp xã và 19 đơn vị cấp huyện.

Trong bối cảnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin như hiện nay, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025 là tất yếu và đang được các địa phương trên cả nước gấp rút trình phương án và xây dựng đề án trình Bộ Nội vụ. Với sự hướng dẫn cụ thể của Bộ Nội vụ và sự vào cuộc thận trọng của chính quyền các địa phương, kế hoạch sáp nhập cấp huyện, xã đang gấp rút được triển khai.

Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính là chủ trương được đông đảo nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, cần thực hiện thận trọng để tránh sự xáo trộn cuộc sống của người dân.

Tại TP Đà Nẵng - đô thị lớn nhất miền Trung, địa phương này dự kiến sẽ tiến hành sắp xếp, sáp nhập 17 phường còn 8 phường, giảm 9 phường. Sau sắp xếp, toàn thành phố còn 47 đơn vị hành chính cấp xã với 36 phường, 11 xã. Tuy nhiên, để thực hiện đề án này, nhiều vấn đề phát sinh cần phải được giải quyết, trong đó cần có sự tham vấn ý kiến rộng rãi của người dân.

Theo nhiều người, khi đặt tên phường mới, nên cân nhắc trên nhiều phương diện. Việc lấy tên một phường cũ đặt tên cho phường mới sau sáp nhập cũng là cách để hạn chế xáo trộn thủ tục hành chính, đỡ tốn kém phát sinh.

Thành phố Đà Nẵng hiện có 6 quận và 2 huyện. Theo đó phương án hiện nay, 11 xã vẫn giữ nguyên, riêng 45 phường sẽ giảm xuống còn 36 phường. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng dự kiến nhập một phần diện tích và dân số của quận Liên Chiểu vào quận Thanh Khê và điều chỉnh địa giới hành chính một số phường ở trung tâm thành phố Đà Nẵng. Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, đây mới là phương án ban đầu.

Theo Bộ Nội vụ, hiện nay, phương án tổng thể của 56 tỉnh, thành trên cả nước sẽ sắp xếp tổng 50 đơn vị cấp huyện và 1.243 đơn vị cấp xã. Riêng tại thành phố Đà Nẵng, hiện nay địa phương đẩy nhanh thủ tục để sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính phường. Dự kiến trong Qúy 3 năm 2024, các thủ tục sáp nhập điều chỉnh địa giới hành chính quận, phường sẽ hoàn thành để trình Bộ Nội vụ và Chính phủ xem xét.

Ngoài vấn đề nhân sự lãnh đạo đơn vị hành chính sau sáp nhập, vấn đề quan trọng không kém đó là đặt tên đơn vị hành chính mới sao cho hài hòa là điều không đơn giản. Ngay như tại Quảng Nam, trước đây, việc sáp nhập hơn 1000 thôn, tổ, khối dân phố ban đầu gặp khó khăn trong việc đặt tên. Nhưng nhờ cách làm linh hoạt, việc đặt tên đã tạo được sự đồng thuận cao.

Trong mỗi người chúng ta, sinh ra, lớn lên đều mang theo tên đất, tên làng theo suốt cuộc đời. Đó không chỉ là định danh mà còn chứa đựng ký ức cuộc đời, tình yêu quê hương - nơi chôn nhau cắt rốn. Chính sức mạnh nội sinh trong văn hóa làng xã đã hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, việc đặt tên thôn làng tưởng là chuyện nhỏ nhưng không dễ. Nếu đặt tên một cách áp đặt hoặc theo số thứ tự, chính cộng đồng dân cư cảm thấy xa lạ với tên gọi của làng của mình.

Mục tiêu của sáp nhập các đơn vị hành chính là làm bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn và tiết kiệm. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ, sau khi sáp nhập các huyện và xã trên cả nước, hơn 40 ngàn công chức và cán bộ không chuyên trách dôi dư sẽ được giải quyết như thế nào. Trụ sở mới và trụ sở cũ sẽ dùng vào mục đích gì? Làm thế nào để hiệu quả và tiết kiệm. Nhiều người cho rằng, chia tách đơn vị hành chính có khi còn dễ hơn sáp nhập.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương cố gắng đến tháng 9 năm nay thực hiện xong việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, kể cả đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đây cũng là yếu tố quan trọng để bộ máy mới ổn định, chuẩn bị cho năm 2025 sẽ tổ chức đại hội đảng bộ các cấp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Giáo dục truyền thống Cách mạng qua những kỷ vật

VTV.vn - Những kỷ vật, hiện vật lịch sử được lưu giữ góp phần làm rõ thêm ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ, giúp chúng ta trân quý sự hy sinh không tiếc máu xương của cha ông.