Thanh Hoá hiện có hơn 550 ngầm tràn, trong đó có hàng chục ngầm tràn hiện đang xuống cấp, xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên bị ngập lụt mỗi khi có mưa, lũ gây khó khăn trong đi lại, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Trên địa bàn các huyện miền núi Thanh Hóa có nhiều ngầm tràn đi qua khe, suối nên thường xuyên bị ngập lụt, một số công trình ngầm tràn có dấu hiệu xuống cấp, mặt tràn bong tróc, hư hỏng. Cứ vào mùa mưa, các ngầm tràn thường xuyên bị ngập sâu gây chia cắt giao thông và cô lập, hàng trăm hộ dân.người dân phải mạo hiểm vượt qua ngầm tràn.
Do yếu tố đặc thù thường xuyên bị ngập nước nên tình trạng chung của hầu hết các công trình tràn không tránh khỏi những hư hỏng bề mặt bê tông tràn do bị bào mòn, bong tróc. Một số công trình tràn ở khu vực có địa hình đồi núi cao, vận tốc dòng chảy lớn, thường xuyên ngập nước trong thời gian dài khi có mưa lũ xảy ra dẫn đến những hư hỏng lớn hơn như xói lở thân tràn, chân khay, mặt tràn bị bong tróc, ổ gà. Hiện nhiều địa phương đang có kế hoạch rà soát, ưu tiên phân bổ kinh phí để đầu tư các tràn hư hỏng nặng, thường xuyên ngập sâu kéo dài gây tắc đường mỗi khi có mưa lũ xảy ra.
Để khắc phục ngầm tràn xuống cấp, năm 2023, Thanh Hoá đã sửa chữa, thay thế trên 10 tràn xuống cấp, hư hỏng nặng bằng các công trình cầu, cầu tràn liên hợp với tổng mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng. Song song với đó, Thanh Hoá đã ban hành nghị quyết, cho phép các huyện miền núi khó khăn đầu tư các công trình ngầm tràn được hỗ trợ kinh phí 95%.
Mặc dù Thanh Hoá đã dành các nguồn lực để nâng cấp, sửa chữa ngầm tràn xuống cấp, tuy nhiên, vẫn còn nhiều tràn hư hỏng, xuống cấp chưa được sửa chữa, do ngân sách còn eo hẹp. Trong khi chờ đợi các nguồn lực để đầu tư, các địa phương đã và đang chủ động bố trí kinh phí của địa phương để khắc phục, sửa chữa nhỏ, đảm bảo an toàn cho người dân khi đi qua ngầm tràn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!