Hiện đã có hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron. Để ngăn chặn đà lây nhiễm của biến thể Omicron, các hoạt động siết chặt biên giới, đóng cửa tạm thời và kiểm soát đi lại là phản ứng phổ biến của các quốc gia trong khi chờ đợi những nghiên cứu cụ thể hơn về Omicron.
Không giống như phản ứng ban đầu khi virus SAR-CoV 2 bùng phát ở Vũ Hán vào cuối năm 2019, Omicron không bị thế giới đánh giá thấp. Giới chức Nam Phi, 1 trong những quốc gia châu Phi ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên, đã lập tức chia sẻ các dữ liệu họ có về những ca nhiễm đầu tiên để các quốc gia có thể vạch ra chiến lược ứng phó kịp thời.
Cả WHO và nhiều chuyên gia dịch tễ thế giới nhấn mạnh hiện chưa có bức tranh hoàn chỉnh về mức độ đe dọa thực sự của biến chủng này. Điều các quốc gia cần làm là bình tĩnh, phối hợp chặt chẽ và đẩy nhanh chương trình tiêm chủng cho người dân.
Trong diễn biến liên quan, Tiến sĩ Anthony Fauci, Cố vấn y tế hàng đầu của chính quyền Mỹ, vừa cho biết, có "một chút khích lệ" trong các dấu hiệu ban đầu về mức độ nghiêm trọng của biến chủng Omicron. Theo đó, mặc dù còn quá sớm để thực sự đưa ra bất kỳ tuyên bố chắc chắn nào về Omicron cho đến nay, nhưng có vẻ như mức độ nghiêm trọng của biến chủng này không cao".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!