Quảng Nam và Thừa Thiên Huế sẽ phối hợp trao đổi thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; phối hợp tuần tra, kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng; phòng cháy chữa cháy rừng và xử lý vi phạm; phối hợp trong công tác giống cây trồng lâm nghiệp...
Nội dung cam kết giữa hai địa phương còn thực hiện việc đảm bảo cho tài nguyên rừng khu vực giáp ranh được bảo vệ và phát triển một cách bền vững; sử dụng hợp lý các giá trị đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường rừng gắn với việc triển khai các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo công ăn việc làm, phát triển sinh kế, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân vùng khó khăn miền núi. Bên cạnh đó, hai địa phương còn cam kết huy động các nguồn lực tham gia quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển rừng bền vững.
Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam là hai tỉnh liền kề, có vùng giáp ranh hầu hết là rừng tự nhiên, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, giàu có về đa dạng sinh học. Đặc biệt, tại khu vực này có hai khu rừng đặc dụng quan trọng là Vườn Quốc gia Bạch Mã và Khu bảo tồn Sao La. Khu bảo tồn sao la Thừa Thiên - Huế có diện tích 15.519 ha, kết nối với Khu bảo tồn sao la Quảng Nam, Vườn quốc gia Bạch Mã và Khu bảo tồn Quốc gia Xê Sáp của Lào, tạo thành một hành lang bảo tồn, một phức hệ rừng rộng lớn, liên tục và thống nhất.
Khu bảo tồn sao la Thừa Thiên - Huế đang được khoanh vùng bảo vệ với các phân khu chức năng riêng biệt, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu hành chính dịch vụ. Đặc biệt, Khu bảo tồn bao gồm diện tích rừng nguyên sinh tự nhiên còn sót lại khu vực Trung Trường Sơn. Đây là một trong những nơi có độ đa dạng sinh học bậc nhất trong khu vực và trên toàn thế giới, là ngôi nhà của các loài thú quý hiếm và đặc hữu như sao la, mang Trường Sơn, mang lớn, thỏ vằn và rất nhiều loài động thực vật khác của Trung Trường Sơn.
Trong những năm qua, các đơn vị kiểm lâm vùng giáp ranh đã thực hiện có hiệu quả các hoạt động phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, nhiều vụ xâm hại tài nguyên rừng được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, vốn rừng cơ bản được giữ vững...