Tình trạng chậm đóng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài của các doanh nghiệp hiện nay đang ở mức độ báo động, không những ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động mà còn gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan Bảo hiểm xã hội, các cơ quan quản lý lao động. Ghi nhận tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH đang có dấu hiệu tăng trong 6 tháng đầu năm 2023, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế xã hội và gây bức xúc trong dư luận.
Tính đến 31/7/2023, tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 2.900 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền hơn 255 tỷ đồng, chiếm 6,82% so với Kế hoạch giao thu. Trong đó, riêng tiền nợ khó thu hồi tại doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn là 273 đơn vị với số tiền gần 33 tỷ đồng.
Nguyên nhân của tình trạng chậm đóng, trốn đóng là vì nhận thức của một số doanh nghiệp chưa đầy đủ về việc thực hiện đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN hằng tháng. Tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, một số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, làm ăn thua lỗ dẫn đến nợ đọng kéo dài, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân.
Thực trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH đã tác động xấu đến quyền lợi chính đáng của người lao động, nhất là trong thời điểm thai sản, ốm đau, tai nạn... Chính vì vậy các ngành chức năng đang thực hiện những giải pháp mạnh tay và quyết liệt hơn đối với các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH, nhằm đem lại quyền lợi chính đáng cho người lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!