TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Tiêu điểm: Đảm bảo an toàn hồ đập trước mùa mưa bão

Xuân Hoà, Phú Thạnh (VTV8)Cập nhật 09:23 ngày 05/08/2018

VTV.vn - Sự xuống cấp của hồ đập và thiếu phương án ứng phó khẩn cấp đang là vấn đề đặt ra đối với hệ thống hồ đập ở miền Trung hiện nay.

Từ năm 2011 đến nay, những sự cố liên quan đến thủy điện miền Trung xảy ra khá thường xuyên. Năm 2011, vỡ đường ống dẫn nước từ đập về Nhà máy điện Đambol (Lâm Đồng). Năm 2012 thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) xuất hiện nhiều vết nứt gây rò rỉ nước ở thân đập khiến không ít người lo ngại đến kịch bản xấu nhất. Năm 2016, cũng tại tỉnh Quảng Nam, chất lượng công trình không đảm bảo đã gây ra sự cố vỡ hầm dẫn dòng thủy điện sông Bung 2, cuốn trôi nhiều nhà dân, phương tiện, tài sản. Liên tiếp trong các năm 2016 và 2017, thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) phải xả nước khẩn cấp với lưu lượng lớn trước nguy cơ vỡ đập, nhấn chìm hàng chục ngàn hộ dân vùng hạ du.

Thực tế sau mỗi mùa mưa bão, các hồ đập cứ dần bị xuống cấp, trong khi các giải pháp khắc phục cũng chỉ là tạm thời. Riêng tại khu vực Bắc Trung Bộ, ước tính có đến 83 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao, tập trung chủ yếu tại Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhiều hồ chứa có tuổi đời cao, đã bị xuống cấp, hư hỏng, thậm chí một số hồ chỉ đắp bằng đất nên rất nguy hiểm.

Tỉnh Hà Tĩnh hiện là điểm nóng về sự xuống cấp của các hồ đập thủy điện. Hiện địa phương này có 350 hồ đập lớn nhỏ, được đầu tư cách đây 30 - 40 năm, rất nhiều hạng mục bị xuống cấp. Để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, chính quyền địa phương một số nơi đã chủ động không tích nước trong lòng hồ, tránh tình trạng vỡ đập. 

Đập Nam Thạch Hãn tại tỉnh Quảng Trị cũng bị xuống cấp nghiêm trọng. Đây là công trình thủy lợi trọng điểm, đảm bảo tưới tiêu cho hơn 50% diện tích lúa toàn tỉnh Quảng Trị và cung cấp nước sạch cho hơn 86.000 người dân vùng đồng bằng. Các đợt mưa lũ những năm trước đã phá vỡ phần kết cấu bê tông cuối sân tiêu năng tràn xả lũ. Nếu không xử lý kịp thời, hậu quả sẽ vô cùng lớn đối với vùng hạ du do nguy cơ vỡ đập cao.

Nắng hạn chưa dứt, các địa phương miền Trung lại bắt đầu lo lắng về hồ đập trước mùa mưa lũ. Các công trình đa số đều rệu rã. Những công trình chưa khắc phục xong lại phải khắc phục chắp vá khiến nguy cơ mất an toàn hồ đập ngày càng cao.

Do thiếu kinh phí đầu tư nên trong các đợt lũ lụt, nhiều hồ, đập thủy điện ở khu vực miền Trung không thể tích nước đến cao trình cho phép mà phải xả sớm, thậm chí xả khẩn cấp, gây thiệt hại cho vùng hạ du mỗi khi có lũ lớn. Thêm một mối lo ngại khác là hiện nay các địa phương thiếu sự chủ động trong xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp khi vỡ đập. Trong khi đây lại là một yêu cầu quan trọng trong quản lý, vận hành hồ chứa. Lấy ví dụ như tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đa số hồ chứa trên địa bàn đều chưa xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp khi vỡ đập.

Trên địa bàn Thừa Thiên Huế, hiện nay chỉ có hồ thủy điện A Lưới là xây dựng được phương án vỡ đập, các hồ còn lại chưa xây dựng các phương án ứng phó khẩn cấp hồ chứa khi có sự cố vỡ đập; chưa xây dựng bản đồ ngập lụt theo cấp báo động và các kịch bản điều tiết hồ chứa. Việc cung cấp thông tin vận hành đến với người dân vùng hạ du đôi lúc còn chậm. Một số người dân chưa hiểu và nắm rõ các nội dung thông tin cảnh báo. Công tác dự trữ vật tư tại chỗ còn hạn chế. Hệ thống đường cứu hộ, cứu nạn hồ chứa thường bị chia cắt khi có lũ lớn xảy ra. Công tác diễn tập tìm kiếm cứu nạn chưa thường xuyên. Sự an toàn hồ đập là điều được người dân quan tâm trước mùa mưa bão. Chính vì vậy, hiện tượng nước thấm qua đập tại công trình hồ chứa nước Thủy Yên, một công trình hồ chứa dung tích gần 8 triệu mét khối nước, mới đưa vào sử dụng trên địa bàn xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc khiến người dân lo lắng.

Mới đây, tại cuộc họp với các chủ đầu tư, đơn vị vận hành hồ đập, thủy điện trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đề nghị các chủ hồ, đập sớm kiện toàn Ban chỉ huy PCLB và phương án PCLB các công trình; lập bản đồ ngập lụt vùng hạ du để chủ động có phương án đối phó khi có lũ lớn; tiếp tục tuân thủ chặt chẽ Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương, chú trọng nhiều hơn đối với các hồ chứa thủy lợi nhỏ do địa phương quản lý, giảm thiểu thiệt hại cho vùng hạ du trong mùa mưa bão.

Tình hình thời tiết những năm gần đây đang có những diễn biến phức tạp. Nắng hạn kéo dài hơn. Mưa lũ và bão lớn cũng xuất hiện sớm hơn. Điều đó đặt ra những nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với công tác phòng chống lụt bão của các địa phương miền Trung. Đối với hệ thống hồ chứa miền Trung, trong hoàn cảnh chưa thể xử lý hoàn toàn tất cả các hạng mục xuống cấp, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là nâng cao năng lực quản lý, vận hành hồ chứa; đảm báo đúng quy trình điều tiết lũ các hồ chứa lớn trong mùa mưa lũ. Song song với đó là tăng cường thông tin liên lạc giữa Ban quản lý các hồ chứa với người dân vùng hạ du, theo dõi chặt chẽ mực nước tại các hồ chứa để có biện pháp ứng phó kịp thời nhằm giảm thiểu thiệt hại cho vùng hạ du. 

Du lịch Đà Nẵng kích cầu thu hút khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

VTV.vn - Nhằm thu hút khách dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 kéo dài 5 ngày sắp tới, các điểm đến tại Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều sản phẩm mới và chương trình ưu đãi kích cầu hấp dẫn.