TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Tiêu điểm: "Giải cứu" nông nghiệp - Hệ quả của khuyến nông kém

VTV8Cập nhật 09:44 ngày 27/08/2018

VTV.vn - Tình trạng "được mùa, mất giá" đã diễn ra nhiều năm nay, những cuộc "giải cứu" tình thương vẫn tiếp tục mỗi khi nông sản vào vụ.

Chỉ cần gõ tìm kiếm cụm từ "giải cứu nông sản " trên Google, có không dưới 7 ngàn tin bài viết về chủ đề này. Từ cộng đồng tự phát động "giải cứu" đến cả Bộ NN&PTNT cũng phát động giải cứu nông sản. Một câu chuyện tưởng chừng như nhân văn nhưng sâu xa thật quá khắc nghiệt đối với nhà nông.

Hành giải cứu, dưa leo giải cứu, củ cải giải cứu, dưa hấu giải cứu, thậm chí là cây ớt cũng phải giải cứu... Và hiện nay là cây nghệ của bà con Quảng Nam trồng ra không ai mua, có lẽ cũng đang mong được giải cứu. Câu hỏi đặt ra là tại sao nền nông nghiệp của nước ta không thoát khỏi tình trạng này. Vai trò của nhà quản lý ở đâu khi mỗi vụ thu hoạch của nhà nông đều cần sự giải cứu từ cộng đồng xã hội? Chẳng nông dân nào muốn nông sản mình trồng ra phải giải cứu, vừa vất vả và xấu hổ cho nhà nông. Tất cả đều muốn có một chính sách quy hoạch rõ ràng về mùa vụ, về diện tích, loại cây trồng, vật nuôi để đến mùa thu hoạch nông sản không bị dồn ứ  hay ép giá. Nông dân mong sao cơ quan nhà nước tạo điều kiện thuận lợi giữa doanh nghiệp và người nông dân để an tâm sản xuất, đầu ra ổn định.

Tình trạng "được mùa, mất giá" đã diễn ra nhiều năm nay, những cuộc "giải cứu" tình thương vẫn tiếp tục mỗi khi nông sản vào vụ. Nông dân gần như bơ vơ giữa rừng thông tin về thị trường, lại quen sản xuất theo lối cũ, nên vẫn thường là người chịu nhiều thua thiệt.

Không trông chờ vào sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, tại nhiều địa phương đã xuất hiện những mô hình liên kết để tiêu thu nông sản. Tại thành phố biển Đà Nẵng, cứ vào Chủ nhật cuối tháng lại diễn ra "phiên chợ nông dân" do một doanh nghiệp duy trì. Không ồn ào náo nhiệt nhưng phiên chợ thú vị này đã đi được hành trình 2 năm, tạo sự kết nối giữa người mua và người bán các nông sản sạch và là điểm thư giãn cuối tuần của không ít gia đình.

Những gian hàng nhỏ, người trồng cũng là người bán nên những giao dịch mua bán không ồn ào mà cứ nhẹ nhàng như người quen gặp nhau. Những con số về lượng hàng hóa hay giá trị giao dịch tại phiên chợ chưa phải là mục đích được nhắm đến lúc này. Ở đây, sự kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, làm quen trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng diễn ra rất tự nhiên. Phiên chợ nông dân Healthy Farm còn là diễn đàn mua bán thực phẩm sạch và an toàn được duy trì online tại địa chỉ www.healthyfarm.org, mà người bán là những người đã tham gia lần trước hoặc nhà sản xuất mới được sàng lọc, cùng với việc công khai thông tin về phương pháp, kỹ thuật sản xuất của nông sản

Ở quy mô của một phiên chợ nông dân thật khó để giải bài toán "Giải cứu nông sản" mà nền nông nghiệp nước ta gần đây luôn gặp phải. Song với mục đích là kết nối người bán và người mua, nhà sản xuất và người tiêu dùng trên cơ sở sự tin cậy lẫn nhau, cách làm này là những bước đi tiến tới nền nông nghiệp không phải giải cứu, khi người nông dân định hướng được thị trường, định hướng khâu sản xuất và định hướng được khách hàng để điều chỉnh cho phù hợp. Nói cách khác, đây chính là cách người nông dân đang cố gắng tự cứu mình khỏi tình cảnh đầu ra bấp bênh.

Rõ ràng nông dân cần rất nhiều thứ, cần đất đai, cần chính sách để tích tụ ruộng đất, cần cơ chế tài chính để phát triển cơ giới hóa v.v..Song vẫn chưa đủ và thật có lỗi với nhà nông khi họ không được định hướng thị trường đầu ra. Đất đai làm gì, cơ giới làm gì khi nông sản không bán được. Chỉ khi nào sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ thì khi ấy mới hết những vụ giải cứu nông sản. Chính đầu ra sẽ quyết định trồng cái gì, trồng như thế nào và trồng bao nhiêu, Những câu hỏi ấy, một mình người nông dân không thể tự trả lời.

Gia Lai yêu cầu các hộ dân ký cam kết không trông giữ xe của học sinh

VTV.vn - Lực lượng chức năng TP Pleiku đang chấn chỉnh tình trạng lập bãi giữ xe tự phát quanh trường học nhằm hạn chế học sinh điều khiển phương tiện quá dung tích quy định.