TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Tiêu điểm: Phòng tránh phơi nhiễm thuốc bảo vệ thực vật

Tấn Quýnh, Quỳnh Hương, Phạm Việt (VTV8)Cập nhật 06:53 ngày 03/08/2018

VTV.vn - Câu chuyện phơi nhiễm thuốc BVTV đang rất đáng lo ngại. Vậy, thực hư và mối nguy tồn dư thuốc BVTV trong người dân vùng nông thôn ra sao?

Kết quả nghiên cứu được Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế cho hay. Tại một số vùng có nguy cơ cao về phơi nhiễm thuốc bảo vệ thực vật ở ngoại thành Hà Nội và tỉnh Hà Nam, bằng phương pháp test nhanh nồng độ thuốc bảo vệ thực vật, kết quả cho thấy: Mối nguy tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong người dân vùng nông thôn là rất đáng lo ngại.

Tất cả người tự nguyện tham gia xét nghiệm đều là trực tiếp lao động sản xuất, tức là thường xuyên phải tiếp với các loại thuốc bảo thực vật. Việc xét nghiệm được thực hiện tại chỗ bằng phương pháp test nhanh. Người tham gia sẽ được lấy máu và được tách lấy huyết tương sau đó nhỏ vào chất chỉ thị màu để kiểm tra nồng độ thuốc bảo vệ thực vật trong máu. Kết quả xét nghiệm cho thấy, 10 người được xét nghiệm thì có tới 6 người có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong máu.

Trước đó, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã thực hiện một nghiên cứu trên 243 người ở vùng có nguy cơ cao tại Hà Nam và kết quả cho thấy : gần 85% người nông dân tiếp xúc với thuốc bảo thực vật có lượng tồn dư trong máu khá cao, cần phải đi làm tiếp các xét nghiệm. Một cuộc xét nghiệm nhanh với 67 người tại Hà Nội cũng cho thấy 1 nửa số này bị phơi nhiễm thuốc bảo vệ thực vật.

Kết quả xét nghiệm lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong máu ở người dân vùng nông thôn không phải là điều bất ngờ, bởi từ lâu, những cảnh báo này đã được đưa ra. Cũng cần nhắc lại, Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Lẽ đương nhiên, thuốc bảo vệ thực vật càng được sử dụng nhiều thì mối nguy hại kèm theo lại càng lớn.

Hiện cả nước có 200 doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, khoảng 100 nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật  và hơn 30 ngàn đại lý buôn bán thuốc bảo vệ thực vật. Chưa có con số thống kê cuối cùng về lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng hàng năm trên đồng ruộng tại Việt Nam. Chỉ tính lượng hoạt chất có thành phần thuốc trừ sâu được nhập khẩu trong thời gian qua, cũng đã cho thấy liên tục tăng mạnh. Giai đoạn 1981-1986, nước ta nhập khẩu cao lắm mỗi năm cũng chỉ  9000 tấn hoạt chất thuốc trừ sâu. Vậy mà  trong năm ngoái, hoạt chất thuốc trừ sâu nhập khẩu đã ở mức 120 ngàn tấn. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đã ăn sâu trong nhiều nông dân. Lạm dụng vì mong muốn cây trồng cho năng suất cao và lạm dụng do chưa biết cách sử dụng hợp lý thuốc bảo vệ thực vật.

Thuốc bảo vệ thực vật được sừ dụng tràn lan, nguy cơ phơi nhiễm thuốc bảo vệ thực vật trong người dân vùng nông thôn ở mức cao. Điều đáng nói, không chỉ những nông dân trực tiếp canh tác trên đồng ruộng mà giờ đây đã có những trường hợp người không trực tiếp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng bị phơi nhiễm.

Vậy hướng xử lý như thế nào trước những khuyến cáo đã được đưa ra? Lúc này, một vấn đề được nhiều người quan tâm: những nông dân ngày ngày canh tác trên đồng ruộng, liệu họ có phòng tránh được những mối nguy hại từ thuốc bảo vệ thực vật hay không? Qua tìm hiểu của phóng viên thời sự tại nhiều địa phương cho thấy: những biện pháp phòng tránh phơi nhiễm thuốc bảo vệ thực vật lại là khoảng trống đối với nhiều nông dân.

Dù là vụ sản xuất nào, dù là cây trồng nào thì thuốc bảo vệ thực vật vẫn luôn là mặt hàng nóng ở vùng nông thôn. Thống kê cho thấy, hàng năm ở Việt Nam, tương ứng với mỗi người là 1 kg thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên đồng ruộng.

Đối với ruộng lúa, có ít dùng thuốc bảo vệ thực vật thì mỗi vụ cũng có từ 3-5 lần phun thuốc. Còn đối với những ruộng rau, hễ có sâu bệnh thì thuốc lại dùng đến. Thường xuyên phun thuốc nhưng một điều khá lạ là rất ít nông dân sử dụng các dụng cụ bảo hộ. Hầu như vụ rau nào, nông dân cũng được tập huấn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Kỹ năng phòng tránh nguy hại từ thuốc bảo vệ thực vật đã có nhưng thực hiện trên đồng ruộng thì lại không. Đây là nghịch lý kéo dài ở nhiều vùng sản xuất. Các chương trình tập huấn được tăng cường, nhưng rõ ràng điều mấu chốt vẫn là ý thức tự bảo vệ chính mình của nông dân trước mối nguy hại thuốc bảo vệ thực vật.

Không dễ để nông dân thay đổi thói quen canh tác theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sống của chính mình. Nhưng nếu không thay đổi ngay thì cũng đồng nghĩa kéo dài hiểm họa từ thuốc bảo vệ thực vật, nhiều người sẽ đối mặt với gánh nặng bệnh tật.