TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Tiêu điểm: Quản lý khai thác hải sản

Vĩnh yên, Anh Phương, Duy Hiệp (VTV8)Cập nhật 15:36 ngày 11/08/2018

VTV.vn - Truy xuất nguồn gốc hải sản, giám sát hành trình tàu cá, các khuyến nghị mà EC đưa ra cho Việt Nam đã có những cải thiện bước đầu, song vẫn cần phải quyết liệt hơn.

Vẫn như mọi lần, nhiều loại thủy hải sản được các tàu cá đưa vào bán trực tiếp tại cảng cá Thuận An (Thừa Thiên Huế), nhưng giờ tất cả sản phẩm bà con khai thác đều được các ngư dân ghi vào nhật ký của từng chuyến biển. Để được cập tàu vào cảng bán cá, các thuyền trưởng phải báo trước với Ban quan lý cảng cá 1 ngày và mọi thông tin về chuyến biển đều phải được khai báo. Quy định này được các tàu cá thực hiện nghiêm túc, bởi nếu không như vậy thì không thể vào cảng.

Thực tế cho thấy việc tuyên truyền để bà con ngư dân thực hiện đúng quy định theo Luật thủy sản cũng như theo các khuyến nghị của EC, thì các giải pháp phải thiết thực và liên quan mật thiết đến hoạt động đánh bắt, tiêu thụ hải sản của ngư dân. Chỉ có như vậy, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản mới được bà con tự giác thực hiện.

Trong các khuyến nghị tiếp theo được EC đưa ra thì một nội dung quan trọng, đó là từ nay đến tháng 1/2019 toàn bộ tàu cá từ 15m-24m của Việt Nam phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tích hợp với vệ tinh. Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, đến nay đã triển khai lắp đặt được 3.000 thiết bị giám sát hành trình định vị vệ tinh Movimar trên tàu cá xa bờ. Ngoài ra còn 2 hệ thống giám sát hành trình khác là hệ thống VX-1700 đã lắp đặt trên 10.664 tàu cá xa bờ khác và 25.000 tàu đánh bắt ven bờ lắp đặt máy liên lạc sóng HF, ngư dân vẫn quen gọi là máy ICOM. Qua giám sát tại trạm bờ ở nhiều Chi cục Thủy sản cho thấy, khoảng 50% tàu cá xa bờ chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, số đã lắp đặt rồi thì có khi bật máy khi không. 

Nhiều ý kiến của các nhà quản lý cho rằng, nếu máy giám sát hành trình, tích hợp vệ tinh là hệ thống được tự động hóa, thì việc bật máy hay không sẽ không phụ thuộc vào ý chí của ngư dân. Mặt khác, cũng cần phải có chế tài xử lý đối với hành vị không bật máy định vị.

Cần nhắc lại rằng khắc phục thẻ vàng không chỉ là để bảo vệ thị trường, mà theo Tổ chức phi chính phủ về bảo vệ đại dương, đó còn là vấn đề phát triển và khai thác biển bền vững. Tổ chức này đã gửi lời kêu gọi khẩn cấp tới chính phủ các nước cần xem nạn khai thác trái phép như tội phạm về môi trường. Đối với Việt Nam, điều này sẽ được cụ thể hóa trong Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật thủy sản mới sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019.

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản của Việt Nam sẽ được hoàn thiện và gửi cho Ủy ban châu Âu góp ý. Điểm đáng chú ý là bên cạnh những chế tài đi kèm để hạn chế vi phạm, thì quy định mức xử phạt đề xuất được cho là cũng đủ sức răn đe, lên tới 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng với tổ chức vi phạm. 

Theo số liệu của tổ chức lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc: trên toàn cầu đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định...gọi tắt là IUU, ước tính chiếm 20% tổng sản lượng đánh bắt. Để biển là sinh kế bền vững của hàng triệu ngư dân VN thì chống khai thác IUU cũng là con đường tái cơ cấu lại nghề biển

Tại hội nghị hồi tháng 6 bàn về các giải pháp tiếp tục khắc phục thẻ vàng của EC, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã nói rằng: "Chúng ta không thể chỉ ra khơi khai thác tài nguyên hải sản, mà chúng ta phải phối hợp nhiều giải pháp đồng bộ để xây dựng một nghề khai thác biển hay nói rộng ra là nghề kinh tế biển đúng tiềm năng".  Hy vọng với ý chí, quyết tâm đó sẽ cải thiện công tác quản lý khai thác thủy sản trong thời gian tới, để chúng ta có thể từng bước chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm. 

Nông dân Quảng Ngãi xây dựng thương hiệu nông sản

VTV.vn - Hiện nay, ở nhiều địa phương, nông dân không chỉ dừng lại ở sản xuất nông nghiệp mà chuyển dần sang mô hình kinh tế nông nghiệp.