Sâm Ngọc Linh là một trong những loại dược liệu quý hiếm nhất hiện nay. Đi liền với sự quý hiếm đó, giá trị của sâm Ngọc Linh rất lớn, một kg sâm củ tươi hiện nay giá trung bình gần cả trăm triệu đồng. Một héc ta sau 7 năm, người trồng sâm có thể thu lãi hơn 70 tỷ đồng. Từ cây thuốc lưu truyền trong cộng đồng dân tộc ít người dưới chân núi Ngọc Linh thuộc huyện Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam và Tu Mơ Rông của Kon Tum, cây sâm Ngọc Linh giờ đây trở thành sản phẩm mang tầm của quốc gia. Tuy nhiên, sâm Ngọc Linh hiện nay chỉ được bán thô dùng để ngâm rượu và ngâm mật ong nên giá trị kinh tế không cao, không tạo ra sản có nguồn gốc từ sâm một cách rõ ràng như nhiều quốc gia trồng sâm trên thế giới. Làm thế nào để nâng tầm cây tỷ phú này xứng tầm với sản phẩm mang thương hiệu đẳng cấp Quốc gia là nhiệm vụ được Chính phủ đặt ra cho 2 địa phương trồng sâm gốc và các bộ ngành có liên quan.
Dưới những tán rừng nguyên sinh thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, người dân 7 xã vùng cao của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã trồng hơn 1.300 héc ta sâm. Nhờ loài cây dược liệu quý này người dân của huyện nghèo nhất nước như huyện Nam Trà My giờ đã đổi đời. Hiện tại, nhiều gia đình đồng bào Xê Đăng, Ca Dong có trong tay vài chục, thậm chí vài trăm tỷ đồng. Không nghi ngờ gì nữa, cây sâm nghiễm nhiên thành cây tỷ phú được đông đảo người dân tin trồng.
Trong khi Sâm Ngọc Linh được xem là sản phẩm đặc biệt của quốc gia nhưng chỉ dừng lại việc bán thô hoặc dùng để ngâm rượu thì tại Hàn Quốc, ngành công nghiệp sâm phát triển rất đa dạng. Dù các nhà khoa học cho rằng, dược tính của sâm Hàn Quốc không cao bằng sâm Ngọc Linh song nền công nghiệp chế biến sâm của quốc gia này phát triển rất mạnh mẽ, đóng góp rất lớn vào nền kinh tế. Vậy nên, hợp tác với quốc gia có thế mạnh về sâm đang được chính quyền Quảng Nam và Kon Tum – hai địa phương được Chính phủ chọn triển khai Đề án xây dựng thương hiệu sâm Quốc gia thực hiện. Mục đích là nâng cao giá trị thương hiệu cây sâm, đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh ra thị trường thế giới.
Theo đề án Sâm Quốc gia, Quảng Nam sẽ đầu tư hơn 3 nghìn tỷ đồng đề phát triển 19 ngàn héc ta sâm. Tuy nhiên, phương thức canh tác quá lạc hậu nên năng suất rất thấp. Vì vậy, hợp tác với các quốc gia có thế mạnh về sâm đang được đặt ra.
Với những thành công ban đầu về phát triển sâm Ngọc Linh, vào tháng 8 vừa qua, tại Diễn đàn phát triển Dân tộc thiểu số năm 2018 tổ chức tại Tam Kỳ, Quảng Nam, sâm Ngọc Linh là hình mẫu để tăng giàu, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã khuyến khích nhân rộng mô hình trồng sâm Ngọc Linh ra 122 huyện có điều kiện, thổ nhưỡng tương tự.
Các địa phương cùng nhau bắt tay, mời gọi doanh nghiệp tham gia phát triển ngành công nghiệp sâm là chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ. Hiện nay, hạ tầng lên vùng sâm cũng đã được đầu tư. Các trung tâm nhân giống, nuôi cây mô hiện đại cũng được đưa vào sử dụng. Bộ Khoa học Công nghệ đã cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý với sâm Ngọc Linh. Hiện nay, hàng chục tập đoàn lớn trong nước đang đầu tư trồng sâm và chế biến sâm. Đây được xem là cơ hội để xây dựng sản phẩm quốc gia, gắn liền với hiệu quả kinh tế mà chính người dân nghèo tại chỗ có cơ hội được thụ hưởng./.