TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

[Tiêu điểm] Tàu vỏ thép "đắm trên bờ", ngư dân có nguy cơ vỡ nợ

Đỗ Vinh, Lê Huy (VTV8)Cập nhật 06:30 ngày 21/03/2018

VTV.vn - Khi sở hữu con tàu trị giá hơn chục tỷ đồng trong tay chưa được bao lâu, không ít ngư dân xem tàu vỏ thép là cục nợ và muốn bán tháo để thoát nợ. Vì sao lại như vậy?

Sở hữu một con tàu cá vỏ thép công suất lớn để vươn khơi, an toàn, đánh bắt hiệu quả là ước mơ cháy bỏng của nhiều ngư dân Việt Nam. Tại Quảng Nam, thời gian qua, nhiều ngư dân chạy đôn chạy đáo để vay vốn; cầm cố cả nhà cửa, bán cả tàu cũ để có vốn đối ứng cho ngân hàng. Tuy nhiên, khi sở hữu con tàu trị giá hơn chục tỷ đồng trong tay chưa được bao lâu, không ít ngư dân xem tàu vỏ thép là cục nợ và muốn bán tháo để thoát nợ.

Ví dụ điển hình là ông Phan Thu (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Từng là ngư dân đầu tiên Quảng Nam sở hữu tàu cá vỏ thép, giờ ông buộc phải đi làm thuê trên tàu vỏ gỗ để kiếm sống. Hơn 10 tỷ đồng tiền vay đóng tàu, hàng trăm triệu đồng tiền lãi trở thành gánh nặng quá sức. Con tàu vỏ thép của ông hạ thủy năm 2015 nhưng chỉ đi hơn chục chuyến biển. Cứ ra khơi là lỗ, hao phí lớn, hải sản đánh bắt giá trị kinh tế không cao, nên hơn một năm nay con tàu phải "nằm bờ".

Khác với ngư dân Phan Thu, khi tàu đánh bắt theo mô hình lưới rê không hiệu quả, ngư dân Trần Công Chi đã vay mượn được gần 4 tỷ đồng để cải hoán con tàu trị giá 12 tỷ đồng sang mô hình chụp mực khơi. Trước khi cải hoán, ông Chi nằm trong diện được vay 500 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, khi tàu đang sửa chữa, ông được thông báo là không đủ điều kiện vay vốn vì tài sản được định giá chỉ 60 triệu đồng. Nếu không vay được số tiền 500 triệu đồng, con tàu vỏ thép của ngư dân Trần Công Chi không còn cơ hội ra khơi.

Hiện 11 tàu cá vỏ thép đánh bắt theo nghề lưới rê của ngư dân Quảng Nam đánh bắt không hiệu quả. Số tàu "nằm bờ" càng tăng. Muốn cải hoán để thay đổi công năng con tàu sang ngành nghề đánh bắt khác cần đến vài tỷ đồng. Ngân hàng không cho vay, Quỹ hỗ trợ ngư dân cũng từ chối, những con tàu cá vỏ thép đang bị "đắm" ngay trên bờ.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, số nợ xấu của ngư dân vay theo Nghị định 67 riêng Quảng Nam đã lên đến con số gần 30 tỷ đồng. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam hiểu rõ khó khăn này nhưng giải pháp nào để hỗ trợ để tàu vỏ thép vươn khơi vẫn còn lại câu hỏi chưa có lời giải. Theo người đứng đầu Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam, để ngư dân cải hoán tàu, chuyển đổi sang ngành nghề đánh bắt mới thì ngân hàng cần đồng hành tạo điều kiện cho ngư dân sửa tàu. Tuy nhiên, đối với ngân hàng, việc bơm tiền cho ngư dân trong khi ngư dân mất khả năng trả nợ là điều không thực tế. Thay vào đó, kịch bản thu tàu, bán thanh lý đang được ngân hàng tính đến.

Lãnh đạo Sở nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam cho rằng: những con tàu vỏ thép đóng theo mẫu thiết kế chuẩn của Tổng cục Thủy sản nên không thể kiêm thêm nghề khác. Để cải hoán một con tàu thì quá sức của ngư dân. Bán tàu cũng là cách để cứu tàu, cắt nợ ngân hàng, nhưng với khối tài sản hơn 10 tỷ đồng đang làm ăn thua lỗ, bản thân con tàu có quá nhiều khiếm khuyết thì ai dám mua lại? Từ các tổ chức tín dụng đến cơ quan chuyên môn, tất cả đều chưa tìm ra giải pháp hợp lý nhất để những con tàu vỏ thép sớm trở lại biển khơi. Nếu các Bộ ngành không sớm vào cuộc, ngư dân sẽ tiếp tục bị giam chân trên bờ.