Nhân sự kiện Bài Chòi của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá đại diện của nhân loại, vừa qua, TP. Hội An đã tổ chức đêm Hội Bài Chòi quy tụ nhiều thế hệ nghệ nhân "anh Hiệu" tham gia hô hát hướng dẫn hội chơi. Ngoài ra, Ban tổ chức Hội hô Bài Chòi còn thử tài khán giả tham gia tập hô hát và làm "anh Hiệu", làm cho nhiều người hết sức thích thú. Đây cũng là hình thức quảng bá trò chơi khiến cho khán giả trở nên gần gũi với hội chơi và góp phần gìn giữ được tinh thần của bài chòi trong dân gian.
Bài Chòi có một tiến trình phát triển từ đất lên sàn, lên giàn, lên chòi và trở thành nghệ thuật sân khấu. Và nay, Bài Chòi trở thành di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên để gìn giữ được những giá trị của nó trong dân gian và phát huy trong đời sống mới, Bài Chòi cần có sự đánh giá toàn diện và đầu tư bài bản, đúng hướng. Và cách làm của các địa phương như Quảng Nam và Bình Định thực sự đã mang lại những hiệu quả nhất định để vị trí của Bài Chòi có được như hôm nay.
Mở các lớp học hằng đêm trên các con phố, đưa dân ca bài Chòi vào chương trình giảng dạy trong nhà trường tại Hội An, hay khai thác Bài Chòi trở thành sản phẩm du lịch như ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà…đang là những chương trình mang lại đời sống mới cho Bài Chòi. Tuy nhiên để Bài Chòi giữ đúng giá trị của nó và phát huy như một di sản văn hoá đại diện của nhân loại, những người làm văn hoá chắc chắn sẽ còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới.