Trước nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao trong thời gian gần đây cũng như lợi nhuận từ việc khai thác, chế biến khoáng sản mang lại đã khiến cho công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai nóng lên hơn bao giờ hết. Tại nhiều địa phương, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra tràn lan với quy mô lớn nhưng công tác quản lý tại nhiều địa phương chưa đủ mạnh, thậm chí nhiều địa phương còn buông lỏng quản lý khiến tình trạng này dây dưa kéo dài.
Nằm sâu trong các cánh đồng mía rộng lớn thuộc thôn Tân Tụ, xã Tân An, huyện Đắk Pơ là những mỏ khai thác đá tồn tại trong suốt thời gian dài. Nhiều hố khai thác sâu đến hàng chục mét. Chỉ tại địa bàn thôn này có đến gần 10 điểm khai thác đá trái phép, trong đó có những điểm được trang bị những phương tiện khai thác, chế biến hiện đại.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều điểm khai thác khoáng sản trái phép đang tồn tại tại tỉnh Gia Lai trong những năm qua. Khoáng sản đã và đang là đề tài nóng của hầu hết các địa phương trong tỉnh. Năm 2021, Gia Lai triển khai hàng loạt dự án điện gió đã khiến nhu cầu khoáng sản tăng vọt. Điều này đã tạo ra hàng loạt điểm nóng về khai thác khoáng sản trái phép diễn ra tại hầu khắp các địa phương nơi triển khai dự án.
Việc các tổ chức, cá nhân vẫn tổ chức khai thác khoáng sản với quy mô ngày càng lớn sau khi chính quyền địa phương và ngành chức năng có những động thái kiểm tra, xử lý đã chứng tỏ tình trạng xử lý nửa vời, chưa đến nơi đến chốn. Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, trong năm qua, hàng loạt cán bộ quản lý tài nguyên môi trường, lãnh đạo nhiều huyện đã bị kiểm điểm, nhắc nhở vì đã buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi diễn ra trong thời gian dài tại địa phương mình. Việc xử lý gắt gao cũng chỉ khiến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tạm lắng trong một thời gian ngắn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!