Hiện nay vấn đề giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa đang được các địa phương quan tâm và nỗ lực thực hiện, không chỉ đối với đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải ở đồng bằng sống Cửu Long, mà tại các địa phương Duyên hải miền Trung cũng đang có nhiều nỗ lực.
Thay vì đưa nước vào ngập đồng ruộng thường xuyên theo lối canh tác truyền thống thì một phương pháp rất hiệu quả nhằm giảm thải trên những cánh đồng lúa đó là quản lý hiệu quả việc đưa nước vào đồng ruộng bằng kỹ thuật tưới nước xen kẽ. Đây là giải pháp kỹ thuật sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính của nhóm nghiên cứu trường Đại học Nông lâm Huế.
Mô hình thí điểm này đã được triển khai tại nhiều vụ sản xuất lúa ở các địa phương khác nhau và vụ mới đây nhất là 10ha tại HTX Nông nghiệpThủy Tân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Được sự phối hợp nhiệt tình của chính quyền địa phương, Hợp tác xã nông nghiệp và bà con nông dân, mô hình thí điểm vụ sản xuất lúa Đông - Xuân vừa thu hoạch tại địa phương này đã đạt hiệu quả rất tích cực.
Bên cạnh hiệu quả trên đồng ruộng thì các mẫu khí lấy được và phân tích trong suốt quá trình canh tác cũng cho thấy sự giảm đi đáng kể về phát thải khí nhà kính.
Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững. Do đó, giảm phát thải khí nhà kính trong trồng lúa vào thời điểm này càng trở nên cần thiết. Đây cũng là một cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp nhằm tái cơ cấu lại ngành sản xuất lúa gạo trong giai đoạn hội nhập với thế giới, trong đó sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính là một xu thế tất yếu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!