Nằm ở độ cao hơn 1500m, chiếc lán gỗ tạm rộng chừng 10m2 này là nơi ở của nhân viên bảo vệ rừng thuộc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông. Mỗi kíp trực ở đây sẽ có 4 người, phải mất hơn 8 tiếng đi bộ mới đến được. Địa hình hiểm trở, thiếu thốn về vật chất, đây còn là điểm nóng khai thác cây pơ mu, nên thường xuyên phải đối mặt với lâm tặc. Không những vậy, đơn vị luôn phải chịu thêm áp lực từ việc nhân viên bỏ việc.
Trong 5 năm qua, cơ quan chức năng Đắk Lắk đã phát hiện, xử lý hơn 6300 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Theo quy định hiện nay, lực lượng chuyên trách của chủ rừng là nòng cốt, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm. Thường xuyên đối mặt hiểm nguy và xung đột nhưng các chế độ đãi ngộ rất hạn chế.
Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp từng là ngành đào tạo trọng điểm ở Tây Nguyên thì nay đã thoái trào, số lượng sinh viên theo học ngành Lâm nghiệp rất ít. Đặc biệt, năm 2020 không có học viên nào tham gia học ngành lâm nghiệp. Nguồn nhân lực cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng thời gian tới được dự báo sẽ thiếu hụt, điều này càng tăng khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng vốn đã khó nay càng thêm khó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!