Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 9/2, TAND Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng quản lý rủi ro Vietinbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) án tù chung thân, tổng hợp hình phạt với bản án trước là chung thân; Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) 7 năm tù, tổng hợp hình phạt với bản án trước là 27 năm tù, cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Hội đồng xét xử nhận định, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã xác định từ tháng 5 - 9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như khi đó là Kiểm soát viên, Quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã lấy danh nghĩa đi huy động tiền gửi cho Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè, Vietinbank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh để huy động vốn của 5 công ty (Công ty Cổ phần chứng khoán Phương Đông, Công ty Cổ phần đầu tư Hưng Yên, Công ty Cổ phần chứng khoán Saigonbank Berjara (SBBS), Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu và Công ty An Lộc) gửi tiền vào Vietinbank hưởng lãi suất cao vượt trần trái quy định nhà nước.
Theo Hội đồng xét xử, ngay từ đầu Huyền Như đã chủ ý gian dối. Như đã thông qua tài khoản của Vietinbank để tạo niềm tin và đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối, làm giả con dấu, giả hồ sơ để chiếm đoạt tiền của 5 công ty. Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Bị cáo Tuấn đã thừa nhận có đi cùng Như, ủng hộ Như để huy động vốn vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, tạo điều kiện cho Như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Về phần trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử cho rằng các doanh nghiệp đã thỏa thuận lãi suất vượt trần nhà nước quy định, lãi suất ngoài hợp đồng, đây là các thỏa thuận trái pháp luật. Đồng thời, các đơn vị đều thực hiện thỏa thuận trái pháp luật ở ngoài trụ sở Vietinbank. Các nguyên đơn dân sự vì lợi ích riêng đã để mặc Huyền Như sử dụng tài sản của mình, tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt tài sản.
Các nguyên đơn dân sự đã thỏa thuận với Huyền Như để nhận lãi suất cao, hoa hồng và tạo hợp đồng giả mạo về ủy thác đầu tư. Thực chất các hợp đồng ủy thác là để ngân hàng khác chuyển tiền vào để hưởng lãi suất trái phép.
Trong vụ án này, xét về hình thức và nội dung, các nguyên đơn dân sự đều vi phạm pháp luật nên không được pháp luật bảo vệ. Các luật sư bảo vệ quyền lợi Vietinbank khẳng định đơn vị này không biết gì về thoả thuận của Huyền Như là có căn cứ.
Vì vậy, căn cứ vào quy định pháp luật, người chiếm đoạt phải có trách nhiệm bồi hoàn thiệt hại. Trong vụ án, Như đã chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng, trong đó Tuấn giúp sức chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng. Do đó, buộc Huyền Như bồi thường cho 4 công ty: Công ty Cổ phần chứng khoán Phương Đông, Công ty Cổ phần chứng khoán Saigonbank Berjara (SBBS), Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu và Công ty An Lộc. Ngoài ra, Như có liên đới với Tuấn bồi thường hơn 200 tỷ đồng cho Công ty cổ phần đầu tư Hưng Yên.