TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Xét xử phúc thẩm nhóm khủng bố đốt kho tạm giữ xe vi phạm, đặt bom ở sân bay Tân Sơn Nhất

TTXVNCập nhật 14:45 ngày 04/06/2018

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

VTV.vn - Ngày 4/6, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân".

Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân" theo điều 84 Bộ luật Hình sự năm 1999. Thẩm phán Huỳnh Công Lý làm chủ tọa phiên tòa phúc thẩm.

Sau phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27/12/2017, 14 bị cáo kháng cáo. Hai bị cáo Trần Quốc Lượng (sinh năm 1991, ngụ tỉnh Đồng Nai) và Lê Thị Thu Phương (sinh năm 1996) không kháng cáo.

Trong vụ án này, Đặng Hoàng Thiện (sinh năm 1992, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) là đối tượng chủ mưu, chế tạo bom xăng để đặt ở sân bay Tân Sơn Nhất; tham gia đốt kho tạm giữ xe vi phạm giao thông số 1, Công an thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) theo kế hoạch của Nguyễn Đức Sinh (sinh năm 1985, ngụ tỉnh Bình Định). Thiện bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt 16 năm tù giam; sau bản án Thiện kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Thiện thừa nhận hành vi như cáo trạng đã truy tố. Thiện đã chế tạo hai quả bom xăng với kích nổ điều khiển từ xa tại căn nhà ở Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện kế hoạch, chiều tối 22/4/2017, Thiện chở hai thùng các-tông đựng bom xăng, giao một thùng cho Trương Tân Phát (sinh năm 1984, ngụ Quận 12) và Ngô Thụy Tường Vy (sinh năm 1986, ngụ quận Tân Bình) ở Sân bay Tân Sơn Nhất. Khi vào bãi giữ xe sân bay, Phát lo sợ hậu quả nên đã tháo pin ra khỏi thiết bị điều khiển. Sau đó, Phát và Vy mang quả bom trong thùng các-tông bỏ ở cột số 9, sảnh chờ ga quốc tế. Sau khi ra bãi giữ xe, Phát gọi điện báo Thiện rằng bom không nổ.

Về phần mình, Thiện mang quả bom còn lại đặt trên tầng ba nhà giữ xe của sân bay rồi đi xuống tầng trệt kích hoạt. Nhưng do khoảng cách xa nên không kích nổ được, Thiện quay lại mang bom xuống tầng trệt kiểm tra thấy vẫn còn hoạt động bình thường, nhưng không dám mang lên lại vì sợ bị phát hiện. Đổi hướng, Thiện mang quả bom xăng này đến đặt ở cột số 9, sảnh chờ ga đến quốc tế thay thế quả bom thứ nhất. Đến 19 giờ 52 phút ngày 22/4/2017, Vy kích nổ thùng bom, bom phát nổ và cháy khiến hành khách hoảng sợ bỏ chạy. Lực lượng chức năng ngay lập tức có mặt, dập tắt đám cháy. Công an và lực lượng an ninh sân bay ngay sau đó phong tỏa hiện trường nhưng Thiện, đồng phạm đã kịp bỏ đi. Quá trình gây án của nhóm này đều bị camera an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất ghi lại.

Nguyễn Đức Sinh cũng thừa nhận hành vi chủ mưu, lên kế hoạch, trực tiếp thực hiện vụ đốt kho tạm giữ xe vi phạm giao thông của Công an thành phố Biên Hòa bằng bom xăng. Khuya 8/4/2017, Đặng Hoàng Thiện đổ xăng vào giẻ, châm lửa, đưa cho Nguyễn Đức Sinh ném bom xăng qua tường rào vào bên trong kho, các đối tượng còn lại cảnh giới. Đám cháy nhanh chóng bùng phát, thiêu rụi hơn 300 xe máy.

Trước đó, theo nội dung bản án sơ thẩm, các bị cáo đã bị đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài lợi dụng, lôi kéo, kích động tham gia vào tổ chức phản động, chống đối lại chính quyền và nhân dân bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền xuyên tạc trên mạng xã hội, tham gia biểu tình, tuyển dụng thành viên, chế tạo vũ khí, khủng bố bằng bom xăng.

Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên phạt 15 bị cáo mức án thấp nhất 5 năm tù và cao nhất 16 năm tù cùng về tội "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân"; tuyên buộc các bị cáo gây ra vụ đốt kho tạm giữ xe phải bồi thường số tiền hơn 1,2 tỷ đồng cho Công an thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Riêng bị cáo Lê Thị Thu Phương (sinh năm 1996, bạn gái Thiện) nhận mức án 1 năm 6 tháng tù treo, thời gian thử thách 3 năm về tội "không tố giác tội phạm".

Chiều cùng ngày, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi. Dự kiến phiên tòa xét xử đến ngày 5/6./.

Nông dân Quảng Ngãi xây dựng thương hiệu nông sản

VTV.vn - Hiện nay, ở nhiều địa phương, nông dân không chỉ dừng lại ở sản xuất nông nghiệp mà chuyển dần sang mô hình kinh tế nông nghiệp.