Vu Lan báo hiếu là lễ hội văn hóa tâm linh có từ lâu đời trong truyền thống của Phật giáo được tổ chức vào tháng 7 âm lịch hàng năm. Mùa lễ Vu Lan là dịp nhắc nhở mỗi người con trong gia đình phải hiếu thuận với cha mẹ, đong đầy thêm tình cảm và lòng biết ơn với tổ tiên.Tích báo hiếu xuất phát từ Phật giáo trong bản kinh Vu lan. Từ một triết lý của nhà Phật, qua quá trình du nhập và phát triển trên 2.000 năm tại Việt Nam, đến nay giá trị văn hóa này đã trở thành một đạo nghĩa của dân tộc, trong đó, nghi thức "cài hoa hồng lên áo" mang một ý nghĩa rất đặc biệt.
Nghi lễ "bông hồng cài áo" là điều không thể thiếu trong ngày Vu lan báo hiếu. Những người tham gia đại lễ không phân biệt tuổi tác, địa vị, chỉ cần mang trong mình sự thành kính khi đón nhận bông hoa hồng cài lên ngực áo. Theo nghi thức này, những ai còn cha mẹ sẽ cài lên ngực một đóa hoa màu hồng. Còn những ai đã mất các bậc sinh thành thì cài đoá hồng màu trắng, thể hiện nỗi buồn, sự thiếu vắng tình thương và niềm nhớ nhung đối với cha mẹ.
Mùa lễ vu lan là biểu hiện của một trong tứ ơn đức của Phật giáo đó chính là biết ơn cha mẹ. Báo hiếu luôn là nét đẹp văn hoá của dân tộc và đã trở thành trách nhiệm, bổn phận của đạo làm con; một nét đẹp trong văn hoá ứng xử góp phần duy trì, củng cố đạo lý trong gia đình, dòng họ và dân tộc; trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá đạo đức con người,… dù xã hội có văn minh phát triển đến đâu thì nét đẹp báo hiếu luôn được đề cao.
Cầu siêu cho cha mẹ nơi chín suối, cầu an khi cha mẹ vẫn còn bên ta. Đây chính là nét đẹp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", đồng thời giáo dục tất cả chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ về lòng hiếu thảo và tình người.