Hình ảnh đời thường của BTV Phương Anh - một trong những gương mặt dẫn thời sự ấn tượng của VTV8.
Việc BTV - MC xinh đẹp này đến với nghề, yêu thích, say mê nghề cũng một phần có ảnh hưởng nhiều từ gia đình khi ba và chú của cô đều làm báo.
Từ dòng sông bơi ra biển lớn
* PV: Con đường đến với nghề MC của Phương Anh bắt đầu từ đâu?
MC Phương Anh: Tôi tốt nghiệp lớp Truyền hình K23, Học viện Báo chí & Tuyên truyền và được nhận vào làm tại VTV Đà Nẵng vào tháng 8/2007. Trong khoảng gần 2 năm đầu, tôi được phân công ở vị trí là phóng viên và sau này trở thành BTV VTV8, vừa hiện dẫn nhưng vẫn vừa đi sản xuất tin bài.
Từ nhỏ đến lớn, chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình sẽ trở thành người dẫn chương trình. Bản thân tôi tự thấy mình là người có tính cách sống nội tâm, hơi rụt rè nhưng lại thích viết lách, thích khám phá, sáng tạo nên thấy mình phù hợp với công việc của một phóng viên hơn. Thậm chí, cho đến lúc này, tôi vẫn nhớ cảm giác rất sung sướng khi tìm được một đề tài tâm đắc rồi thực hiện thành công theo cách thể hiện riêng của mình, mang lại những hiệu quả nhất định trong xã hội. Hơn nữa, việc tôi đến với nghề, yêu thích, say mê nghề cũng một phần có ảnh hưởng nhiều từ gia đình khi ba và chú tôi cũng đều làm báo.
Việc tôi tham gia dẫn cũng như một cái "duyên" mà người ta thường hay nói là "nghề và nghiệp". Sau khi vào VTV Đà Nẵng một thời gian, lãnh đạo Đài đã yêu cầu tôi tham gia dẫn thử và từ đó đến nay, tôi được phân công, trở thành biên tập viên dẫn… Bước ngoặt ấy là cách để bản thân có thể "khám phá và vượt qua chính mình" và thật sự tôi cũng đang thấy điều đó rất thú vị… Cũng chính vì nghĩ rằng mình hơi nhút nhát nên tôi luôn cố gắng nỗ lực rèn luyện cũng như học hỏi rất nhiều từ những anh chị đi trước, trên sách báo, các kênh truyền thông.
BTV Phương Anh đã có hơn 10 năm gắn bó với VTV.
* Vừa tham gia dẫn, vừa tham gia biên tập, công việc nào đối với bạn thú vị hơn?
Khi còn ở VTV Đà Nẵng, trừ những ngày có lịch dẫn ra, tôi cũng phải tìm đề tài để đi sản xuất tin bài. Với tôi, việc vừa đi sản xuất và vừa được dẫn là cơ hội tốt để bản thân có thể học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, hiểu rõ những gì mình cần truyền đạt đến khán giả dựa trên tiêu chí ngắn gọn, xúc tích, gần gũi, dễ hiểu nhưng phải có thông tin thu hút ngay từ đầu.
Khi chuyển sang VTV8 từ đầu năm 2016, tôi được phân công về Phòng Thư kí Biên tập, ngoài thời gian chính là dẫn các bản tin 11h30, 18h và 22h30 ra, tôi còn trực công tác biên tập cho các bản tin trong ngày. Tôi nghĩ rằng, cả hai công việc đều rất thú vị, bổ trợ lẫn nhau và không bị nhàm chán… Và đây cũng là cách để mình có thêm nhiều thông tin, rèn luyện kĩ năng biên tập, viết và kết nối lời dẫn tốt hơn.
* Những bài học về nghề mà Phương Anh không thể nào quên?
- Tôi may mắn được làm việc trong một môi trường mà ở đó mọi người luôn sống rất chia sẻ, gần gũi, giúp đỡ nhau rất tận tình. Vì vậy, tôi cũng rất thuận lợi khi đi tác nghiệp, tìm tòi những cách thể hiện phóng sự cho riêng mình. Trong gần 10 năm qua, tôi đã có rất nhiều kỉ niệm, nhưng hình ảnh của ngày đầu vào nghề luôn khiến tôi nhớ mãi. Đó là tháng 11/ 2007, Quảng Nam - Đà Nẵng xảy ra một đợt lũ lịch sử, nhiều khu vực bị cô lập. Khi ấy, tôi chưa được phân công đi tác nghiệp vùng lũ nhưng thật sự tâm trạng rất bồn chồn nên đã xin phép lãnh đạo phòng cho tôi đi về huyện Hòa Vang, Đà Nẵng để tiếp cận các khu dân cư bị cô lập. Từ nhỏ đến lớn, chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh mưa lũ dâng cao lên tận nóc nhà dân như vậy. Và việc đi thực tế, trực tiếp tham gia cứu trợ người dân đã giúp mình có thêm nhiều kiến thức và trải nghiệm.
Với tôi, bài học mà tôi rút ra được đó là làm báo thì phải luôn luôn vận động, chuyển động theo dòng chảy của thông tin, bởi nếu mình đứng lại, mãi ngắm nhìn những gì mình làm được thì chắc chắn là mình đang đi thụt lùi và mình sẽ bị đào thải….
BTV Phương Anh tác nghiệp nối cầu truyền hình trực tiếp "Tết 3 miền" trong chương trình thời sự đặc biệt mùng 1 Tết của VTV.
* Từ khi VTV Đà Nẵng phát sóng trên VTV8, bước chuyển này chắc hẳn tác động không ít đến công việc của bạn và các đồng nghiệp?
- Quả thật, kể từ khi chuyển sang VTV8 vào đầu năm nay, được làm việc trong một môi trường rất chuyên nghiệp nên đây chính là cơ hội để tôi và các đồng nghiệp tại Đà Nẵng có thể rèn luyện và trau đồi kiến thức cho bản thân tốt hơn. Có thể nói vui rằng, ngày trước khi ở VTV Đà Nẵng thì mình như đang bơi trong một dòng sông, còn nay, chuyển sang VTV8, mình được bơi ra biển lớn với nhiều cơ hội, nhiều điều thú vị nhưng cũng sẽ nhiều áp lực hơn.
Trong một tháng đầu tiên khi lên sóng VTV8, không chỉ riêng tôi mà tất cả các đồng nghiệp khác cũng gần như mất ăn mất ngủ, tất cả dồn sức cho bản tin. Do những ngày đầu thiết bị máy móc còn thiếu, phim trường nằm ở tầng 3 nhưng phòng làm việc tầng 5, thậm chí tầng 7 nên nhiều lúc mọi người không đi thang máy mà bỏ cả dép để chạy thang bộ cho nhanh, kịp giao văn bản cập nhật tin mới nhất cho khán giả. Hôm nào bản tin an toàn thì ai cũng cười rạng rỡ, còn hôm nào có lỗi ai cũng thấy rất buồn.
Và có một cảm giác rất đặc biệt mà tôi nghĩ rằng rất nhiều anh chị ở VTV8 cũng nghĩ như tôi đó là: thời gian đầu có đội ngũ chuyên gia vào hướng dẫn, mọi người làm việc rất tận tâm, quên ngày quên đêm để hỗ trợ lên sóng VTV8. Các anh chị không chỉ truyền đạt kinh nghiệm chuyên môn làm thế nào để lấy tin, khai thác tin, chuyển tải thông tin nhanh nhất, hay nhất mà điều quan trọng là các anh chị đã truyền được ngọn lửa đam mê và tính trách nhiệm cho các thành viên VTV8 lúc bấy giờ. Chính vì vậy, tất cả mọi người gần như hôm nào không có lịch cũng tranh thủ xem các anh chị làm như thế nào. Bản thân tôi cũng tranh thủ học ở tất cả các công việc khác nhau, từ vị trí từ kíp trưởng, kíp viên đến biên tập, MC…Và điều đó sẽ giúp mình làm việc tốt hơn, phối hợp trong ekip thuận lợi hơn, đáp ứng được yêu cầu đặt ra khi làm truyền hình là phải phát huy hiệu quả của làm việc tập thể, ekip.
Gia đình là những khán giả khó tính nhất
* Nghề dẫn chương trình với nhiều bạn trẻ là một mơ ước bởi ánh hào quang của sự nổi tiếng và danh vọng. Theo bạn, đâu là yếu tố cần và đủ của một người dẫn chương trình thành công, đặc biệt đối với người dẫn các chương trình chính luận?
- Đúng là nghề dẫn chương trình với nhiều bạn trẻ là một mơ ước bởi ánh hào quang của sự nổi tiếng và danh vọng, nhưng bản thân tôi thì lại cho rằng, trước hết nếu không yêu nghề thì sẽ không trụ được. Bởi ánh hào quang thì có thể vụt tắt bất cứ lúc nào và quan trọng là phải giữ cho mình được ngọn lửa đam mê, để khi đối diện với nhiều áp lực đằng sau đó, đối diện với việc làm thế nào để cân bằng giữa gia đình và công việc thì mình mới có động lực để cố gắng vươn lên, tiếp tục với nghề.
Để trở thành người dẫn chương trình truyền hình, nhất là dẫn chính luận, nếu chỉ có ngoại hình và giọng nói thì sẽ không chinh phục được khán giả, tôi nghĩ quan trọng là phải có kiến thức, hiểu và cảm nhận thông tin để biết rằng mình đang nói những gì, đang nói với ai và thể hiện như thế nào cho gần gũi với khán giả truyền hình. Đánh giá về công việc của mình, tôi tự thấy nhiều lĩnh vực mình chưa hiểu hết được, bản thân cần phải liên tục trau dồi, học hỏi từ thực tế nhiều hơn để lấp những khoảng trống kiến thức, có như vậy việc truyền đạt thông tin đến khán giả mới gần gũi hơn…
* Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghề báo, gia đình có lẽ luôn là những khán giả trung thành và khó tính nhất của bạn?
Đúng như chị nói, gia đình quả thật luôn là khan giả trung thành và khó tính nhất của tôi. Nếu như mẹ là người luôn luôn theo dõi từng chương trình của con gái để góp ý, chỉnh sửa về mặt hình thức thì về phía ba, tôi luôn nhận được nhiều lời khuyên rất bổ ích của ông. Tôi may mắn có ba là người làm trong ngành truyền hình nên ông thường chia sẻ nhiều kinh nghiệm cũng như rất thẳng thắn, nghiêm khắc mỗi khi khi góp ý, phê bình con gái . Và chính điều đó giúp tôi tiến bộ và ý thức hơn với nghề.
* Làm công việc được nhiều người biết đến, chắc hẳn Phương Anh đã nhận được không ít sự quan tâm và tình cảm của những người dân Đà Nẵng?
Có rất nhiều kỉ niệm với khán giả trong quá trình làm nghề khiến tôi xúc động, nhưng đặc biệt nhất là khi tôi nhận được cuộc điện thoại của một vợ chồng khán giả hưu trí. Lúc đấy là mồng 2 Tết nhưng tôi lại đang bị đau sốt và bị mất tiếng. Khi gọi đến, bác bảo là vừa xin được số điện thoại của tôi, thay mặt cho các bác trong câu lạc bộ hưu trí gửi lời chúc Tết và chia sẻ nhiều điều thú vị khi là một khán giả xem VTV Đà Nẵng. Thật sự lúc đấy tôi rất xúc động và hạnh phúc, cũng như có thêm động lực để mình theo đuổi nghề này.
* Là một trong những gương mặt mặt tiền của kênh VTV8, Phương Anh làm thế nào để mang đến cho khán giả cả nước hình ảnh đặc trưng của người con sinh ra trên mảnh đất miền Trung?
Tôi là một người con gốc Quảng Nam – mảnh đất "chưa mưa đã thấm", nhưng sinh ra và lớn lên tại TP Đà Nẵng, nơi mà tôi rất yêu quý và luôn tự hào, kể cả khi Đà Nẵng chưa được nhiều người biết đến như bây giờ. Bản thân tôi rất yêu mến TP Đà Nẵng và việc mình được làm việc trên kênh VTV8 cũng là cơ hội để tôi có thể tự hào giới thiệu với khán giả cả nước về mảnh đất và con người miền Trung nhiều hơn. Nếu cần phải thay đổi thì tôi nghĩ rằng đó phải là sự thay đổi tư duy tiếp cận thông tin, cách viết lời dẫn cho hiện đại hơn, hay hơn nhưng phải đảm bảo tính trung thực, chính xác chứ không phải là sự thay đổi quá nhiều về phong cách dẫn, bởi tôi là người miền Trung và khán giả mà tôi hướng đến phục vụ chính là miền Trung Tây Nguyên.