Rừng tại Tây Nguyên bị tàn phá là thực trạng đau xót diễn ra trong 1 thời gian dài. Thống kê sơ bộ, 5 tỉnh Tây Nguyên đã để mất gần 400 ngàn hecta rừng. Nhiều cánh rừng tự nhiên hàng trăm năm đã gần như không thể khôi phục lại được.
Quan trọng là sau khi giải thể các công ty lâm nghiệp, diện tích rừng và đất lâm nghiệp còn lại sẽ được chuyển giao cho ai quản lý, quản lý như thế nào cho hiệu quả vẫn là những câu hỏi lớn? Nếu các địa phương nhận quản lý số rừng và đất lâm nghiệp từ các công ty lâm nghiệp giải thể chuyển giao, cũng đồng nghĩa với việc ôm một mớ "bòng bong" chưa biết khi nào mới tháo gỡ, khi còn nhiều vướng mắc đã tồn tại nhiều năm qua. Một trong những vướng mắc lớn nhất chính là thu hồi những diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã bị lấn chiếm.
Để khắc phục tình trạng này, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã có văn bản kiến nghị các bộ, ngành Trung ương cần chỉ đạo chặt chẽ quá trình thực hiện phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông-lâm nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên. Các bộ, ngành Trung ương cũng cần hỗ trợ kinh phí để tổ chức thực hiện rà soát, đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với rà soát đất đai của các công ty lâm nghiệp và giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với diện tích đất lâm nghiệp đã bị người dân lấn chiếm lâu năm và đang sản xuất nông nghiệp ổn định; các bộ, ngành cần nghiên cứu, cho chủ trương rà soát, chuyển mục đích sử dụng đất và giao lại cho địa phương quản lý, từ đó bố trí đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất. Hoặc có cơ chế để các công ty lâm nghiệp hợp đồng giao khoán, cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuê đất để họ yên tâm sản xuất. Những kiến nghị này cần sớm được xem xét, cụ thể hóa và triển khai trên thực tế để xử lý dứt điểm những hệ lụy trong quản lý đất rừng của các công ty lâm nghiệp cũng như các đơn vị chủ rừng khác tại Tây Nguyên hiện nay.