TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Báo chí điều tra trong thời đại số

An Khê (vtv.net)Cập nhật 11:29 ngày 16/03/2018

Một phiên thảo luận tại Hội nghị Báo chí Điều tra toàn cầu lần thứ 10 ở Nam Phi (11/2017)

VTV.vn - Sự phát triển như vũ bão của công nghệ số đã đưa đến những thay đổi tất yếu trong cách thức tác nghiệp của báo chí, trong đó có báo chí điều tra.

Là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự Hội nghị Báo chí Điều tra toàn cầu lần thứ 10 với vai trò một phóng viên điều tra, nhà báo Nguyễn Vũ Diệu Trang - Trung tâm tin tức VTV24, đã có nhiều chia sẻ quý báu về nghiệp vụ.

Báo chí điều tra trong thời đại số - Ảnh 1.

Phóng viên Diệu Trang - Tại Hội nghị Báo chí Điều tra toàn cầu lần thứ 10, Nam Phi

GIJN – Những mảnh ghép đặc biệt của chân dung "báo chí điều tra" thời đại số

Johannesberg, Nam Phi những ngày giữa tháng 11/2017, nhiệt độ ngoài trời chỉ hơn 100C nhưng không khí tại Đại học Báo chí Wits (thuộc Đại học Tổng hợp Witwatersrand), nơi đang diễn ra Hội nghị Báo chí Điềutra toàn cầu Lần thứ 10 (GIJC) càng như ấm nóng hơn khi gần 1.300 thành viên đến từ hơn 130 quốc gia trên thế giới về đây để cùng tham dự sự kiện đặc biệt hai năm một lần của GIJN.

Tham gia hội nghị lần này có các diễn giả là các nhà báo nổi tiếng, đạt nhiều giải thưởng danh giá trên thế giới, các giáo sư, luật sư, lãnh đạo các cơ quan báo chí truyền thông tiếng tăm… và các học viên là các nhà báo điều tra được chọn thông qua vòng cấp học bổng. Trong gần 300 diễn giả của Hội nghị lần này, có những nhân vật có uy tín đặc biệt như: Giáo sư Joseph E.Stiglitz của Đại học Columbia(Mỹ), người từng đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001, Nobel Hòa bình năm 2007 và là một trong 100 gương mặt có ảnh hưởng nhất trên thế giới năm 2011 do tạp chí Times bình chọn; nhà báo Mark Schoofs, người từng đoạt giải Pulitzer liên tiếp năm 2000 và 2002 ở thể loại tin nóng về sự kiện 11/9 và điều tra về AIDS ở châu Phi; David J. Johnston - một phóng viên điều tra xuất sắc của Mỹ trong hơn 50 năm, đã đoạt giải Pulitzer năm 2001, Joe Davidson - cựu đặc vụ 30 năm của FBI; hay Paul Myers - nhà nghiên cứu thông tin trực tuyến và khai thác dữ liệu hàng đầu ở BBC và trên thế giới trong gần 20 năm…

Hội nghị còn có sự xuất hiện của các nhà báo tên tuổi của GIJN, những tác giả đã làm nên "Hồ sơ Panama", "Hồ sơ Paradise" làm dậy sóng dư luận thế giới năm 2016, 2017. Họ là những gương mặt thực sự đặc biệt, thậm chí lạ lùng. Thoạt nhìn, không ai nghĩ nữ nhà báo bé nhỏ với mái tóc ngắn cá tính Susanne Reber, người từng nhận giải Peabody, giải Polk, giải Robert F. Kennedy - lại là một thành viên tích cực của dự án The Paradise Papers (Hồ sơ Paradise). Drew Sullivan trước khi trở thành nhà báo lại là một diễn viên hài chuyên nghiệp, một kĩ sư hàng không vũ trụ, hiện là Tổng biên tập Chương trình Báo cáo Tham nhũng và Tội phạm Tham nhũng (OCCRP)…

"Cơn sóng thần" số hóa đang ập vào mọi ngõ ngách của đời sống, tác động mạnh mẽ đến kĩ năng tác nghiệp báo chí điều tra trong môi trường truyền thông hiện đại. Chẳng quá khó hiểu khi hội nghị dành hơn 150 phiên thảo luận tập trung về các giải pháp công nghệ, các kĩ năng mới trong báo chí điều tra, đặc biệt là trên truyền hình và hệ thống trực tuyến. Một tương lai cho báo chí điều tra toàn cầu sẽ như thế nào trong bối cảnh bị cạnh tranh khốc liệt bởi các loại hình thông tin "ăn xổi" khác, trên mạng xã hội, trên các trang tin trực tuyến? Thông tin từ Hội nghị cho biết, thách thức chung của Báo chí điều tra thời điểm này là nguồn tài chính bị siết chặt bởi những biến động kinh tế toàn cầu và ở mỗi quốc gia. Các cơ quan báo chí, các ông chủ truyền thông lớn đều đang dịch chuyển hướng đầu tư sang báo chí trực tuyến, báo chí số hóa - những loại hình có tốc độ sản xuất nhanh hơn, đầu tư gọn nhẹ, đưa tới nguồn lợi ngay lập tức. Thậm chí, đã có hàng loạt tòa soạn báo, cơ quan truyền thông tầm cỡ công bố cắt giảm chi phí thực hiện đối với thể loại phóng sự điều tra. Trong khi đó, báo chí điều tra, thể loại luôn hấp dẫn và gây ấn tượng với khán giả, thể loại có thể nâng tầm "đẳng cấp" của phóng viên và cả các cơ quan báo chí với những nguồn lợi cao và các giải thưởng xuyên quốc gia, nhưng nó đồng thời cũng là thể loại khai triển khó khăn nhất, đầy nguy hiểm và cám dỗ, cả những cạm bẫy pháp lí, lại đồng thời phải đầu tư kinh phí đáng kể, thời gian thực hiện thường dài. Vậy cục diện của Báo chí điều tra trong thời đại số hóa, khi đối mặt với những thách thức kia sẽ như thế nào?

Trong các phiên thảo luận tại Hội nghị, Báo chí dữ liệu (Data Journalism) và Kiểm chứng nguồn tin (Fact Check) là hai chủ đề tập trung được sự chú ý hơn cả. Đó là kết quả tất yếu sinh ra trong bối cảnh một xã hội kết nối với quá nhiều thông tin, bao gồm cả các tin tức giả tạo. Vì có các tin tức giả tạo mà phải có môn kiểm tra thực tế và xác minh dữ kiện, phải có Internet Manhunt với những kĩ năng, công cụ săn tìm con người trên môi trường trực tuyến... Tất cả các công cụ, giải pháp, thủ thuật, kĩ năng để tìm kiếm và xác minh thông tin đó được gọi một cái tên chung là Data Mining– khai thác dữ liệu (kiểu mới).

Diện mạo mới của báo chí điều tra đòi hỏi các nhà báo điều tra cũng phải tự thay đổi cho mình một "nhân diện" mới, đồng nghĩa với việc trang bị các công nghệ, kĩ thuật mới trong khai thác dữ liệu. Trong gần 100 phiên thảo luận về báo chí dữ liệu, các nhà báo kì cựu đã chia sẻ kinh nghiệm, hé lộ nhiều kĩ năng, thủ thuật, các công cụ để tìm kiếm, truy xuất thông tin. Chính các nhà báo trực tiếp thực hiện Hồ sơ Panama và Paradise gây chấn động dư luận trong thời gian qua cho biết, họ cũng đã phải dùng những công cụ xử lí đó để tìm kiếm ra manh mối của các đối tượng, các mố iquan hệ chằng chịt của họ với những thông tin không ai ngờ tới từ rất nhiều nguồn, thậm chí cả từ các mạng xã hội như: Twitter, Facebook, Snapchat… "Phù thủy khai thác dữ liệu" Paul Mayers (BBC), người thiết kế ra hàng loạt các trang tìm kiếm, các công cụ khai thác, truy lọc thông tin mạnh như spokeo.comstalkscan.com, là một trong những minh chứng rõ ràng về vai trò của Data journalism – Báo chí dữ liệu, như là một đại diện mới của báo chí điều tra. Việc sử dụng thành thạo công nghệ chính là chìa khóa giúp các nhà báo mở được kho dữ liệu khổng lồ vốn đã được số hóa và liên kết chằng chịt trên toàn cầu, giúp họ có cơ hội để kiểm tra nguồn tin một cách nhanh nhất có thể.

Báo chí điều tra trong thời đại số - Ảnh 2.

Một phiên thảo luận tại Hội nghị

VTV đã tiệm cận xu hướng toàn cầu

Tham gia hội nghị với tư cách là đại diện duy nhất của Việt Nam ở lĩnh vực báo chí điều tra, tôi khá hào hứng với suy nghĩ rằng mình sẽ thu thập và học hỏi được nhiều từ các đại diện ưu tú của các nền báo chí đang phát triển từng ngày trên thế giới. Nhưng khá bất ngờ, ở đó, tôi cũng có cơ hội được chia sẻ thông tin với cảm giác hãnh diện và tự hào, khi phát hiện ra rằng các phóng viên điều tra của VTV đã và đang sử dụng các kĩ năng thâm nhập thực tế, góc độ khai thác thông tin ít nhiều tiệm cận với cách thức các phóng viên quốc tế đang làm, có chăng, các phóng viên ở các nước phát triển có các công cụ tiên tiến và quy trình tác nghiệp chuyên nghiệp hơn mà thôi. 

Những kinh nghiệm từ các vệt điều tra của VTV và VTV24, trong các chương trình:Chống buôn lậu, Hàng giả, Bảo vệ người tiêu dùng, Chuyển động 24h… đã được nhiều phóng viên quốc tế quan tâm và yêu cầu tôi tập hợp lại một số kinh nghiệm xử lí tình huống, xử lí dữ liệu, góc độ khai thác, cách kể chuyện, thủ pháp tạo kịch tính trong một series phóng sự… để gửi cho bạn mang về nước làm tài liệu tham khảo. Các cách khai thác thông tin bằng các tính năng Street View cho phép người dùng khám phá mọi địa điểm trên thế giới của Google Map, theo dõi tọa độ với Google Earth, ghi hình bằng các thiết bị bay không người lái (flying cam), các thiết bị ghi hình giấu kín… mà các phóng sự điều tra của VTV sử dụng đã khiến nhiều phóng viên quốc tế ngạc nhiên vì cũng tương đương như cách họ đang triển khai tại châu Âu, châu Mỹ… Các chủ đề điều tra dễ "động chạm" như trốn thuế, chuyển giá, buôn lậu, hối lộ công cộng, tài chính doanh nghiệp, phá hoại môi trường, an toàn thực phẩm… là những vấn đề thế giới đặc biệt quan tâm cũng đã và đang là những chủ đề được VTV khai thác ở nhiều cấp độ khác nhau. Không ít trong số đó đạt hiệu ứng tích cực, khiến các cơ quan chức năng phải điều chỉnh chính sách, bổ sung chế tài để xử lí. 

Để đối phó với tin tức giả, với sự lộn xộn của thị trường thông tin, Đài THVN đã thành lập Hội đồng tin tức để quản lí, định hướng cho dòng chảy thông tin chung trên các kênh sóng, trong đó có các sản phẩm báo chí điều tra. Tại mỗi đơn vị như VTV24 lại có hệ thống duyệt tin "4 bước". Mỗi đề tài điều tra đều được đưa ra phản biện, cân nhắc, nhằm đảm bảo tính chính xác và an toàn về pháp lí. Có thể nói, chưa bao giờ VTV lại đề cao yếu tố pháp lí và tính chính xác của thông tin như thời điểm này. Điều này cũng giống như báo chí thế giới giai đoạn hiện nay. 

Ở bất kì quốc gia nào, báo chí điều tra luôn được đánh giá là thể loại "đẳng cấp" nhất, gây dựng tên tuổi, thương hiệu và đem lại vinh quang cho các tòa soạn. Thế nhưng, nó lại là nghề tiềm ẩn nhiều tai nạn, hiểm nguy nhất. Rất nhiều tác phẩm, thời gian thực hiện không chỉ tính bằng ngày, bằng tháng mà bằng nhiều năm. Chi phí, bởi vậy, cũng là một bài toán nan giải của các cơ quan báo chí. Hội nghị báo chí điều tra toàn cầu lần này đã nêu ra một thách thức gây "đau đầu" cho các tòa soạn: Theo đuổi dòng báo chí điều tra ở mức độ nào là hợp lí và có nên chuyển hướng đầu tư sang các thể loại khác, an toàn và ít tốn kém hơn? Có lẽ chỉ có… thực tế mới có thể trả lời được câu hỏi này. Bởi báo chí hay các loại hình báo chí đều là phản ánh hiện thực của cuộc sống và nhu cầu thông tin của khán giả. Chỉ có điều, trước xu thế mới, thói quen tiếp nhận thông tin kiểu mới với các công nghệ mới, báo chí điều tra cũng đã đến lúc phải có sự thay đổi, về cách tiếp cận và cách thể hiện, để luôn giữ được vị trí của mình trên hành trình thực hiện sứ mệnh đấu tranh vì lẽ công bằng.