Phát triển các khu, cụm công nghiệp giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ tại các địa phương hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề nhiều địa phương đang gặp phải chính là các khu công nghiệp còn thiếu hệ thống xử lý nước thải tập trung. Điều này cũng gây phát sinh chi phí cho các doanh nghiệp trong khu vực, ảnh hưởng tới công tác bảo vệ môi trường.
Tỉnh Quảng Nam hiện có khoảng 60 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Hiện chỉ mới có 4 cụm có khu xử lý nước thải tập trung, nhưng 3 trong số đó đã dừng vận hành. Hàng loạt cụm công nghiệp nhưng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhiều doanh nghiệp lén lút xả thải ra môi trường.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường hiện nay, tất cả các cụm công nghiệp đều phải được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên đến nay, đa phần các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều chưa có hệ thống này. Điều này gây khó khăn cho công tác quản nhà nước trong việc kiểm soát nước thải ra môi trường của các nhà máy, doanh nghiệp đang hoạt động tại đây, đồng thời cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc kêu gọi, thu hút đầu tư của các địa phương.
Để đáp ứng các quy định theo Luật Bảo vệ môi trường, tiêu chí xét duyệt đạt chuẩn nông thôn mới và kêu gọi thu hút đầu tư, huyện Quế Sơn đã đầu tư dự án khu xử lý nước thải tập trung tại cụm công nghiệp Đông Phú với công suất thiết kế giai đoạn một là 480m3/ngày, tổng vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng. Tuy nhiên lo lắng của địa phương này là sau khi dự án hoàn thành liệu có thể đưa vào sử dụng được hay không và chi phí lấy từ đâu để tổ chức vận hành.
Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có khoảng 60 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Hiện chỉ mới có 4 cụm có khu xử lý nước thải tập trung, nhưng 3 trong số đó đã dừng vận hành, hoặc vận hành nhưng không đạt yêu cầu. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp không chịu đấu nối vào đường ống thu gom, khiến nước thải không về hệ thống. Thay vào đó, mỗi doanh nghiệp đều có một hệ thống xử lý nước thải riêng.
Như vậy, việc đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp là cần thiết và bảo đảm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên cũng cần nghiên cứu, rà soát và đánh giá lại quy mô của từng cụm công nghiệp riêng biệt để có mức đầu tư hợp lý. Đồng thời tỉnh Quảng Nam cần xem xét hỗ trợ vốn để địa phương có thể xây dựng và vận hành. Có như vậy mới đáp ứng được các tiêu chí để kêu gọi thu hút đầu tư, đồng thời bảo vệ được môi trường.
Tỉnh Quảng Nam có 18 huyện, thị, thành phố; mỗi địa phương đều có cụm nghiệp và bố trí đủ quỹ đất để các doanh nghiệp vào đầu tư. Tuy nhiên tỷ lệ lấp đầy của các cụm công nghiệp này không cao. Ngoài các yếu tố về kinh tế, chính sách thu hút kêu gọi đầu tư, việc hạ tầng chưa bảo đảm cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp không mấy mặn mà. Theo phương án phát triển cụm công nghiệp Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ có 93 cụm công nghiệp. Nhưng với hiện trạng, hạ tầng như hiện tại thì dù số lượng cụm công nghiệp có thể tăng nhưng nhà đầu tư mới thì lại không nhiều.
Năm 2002, khu công nghiệp Thuận Yên được tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến năm 2009 tỉnh giao cho thành phố Tam Kỳ làm chủ đầu tư. Gọi là khu công nghiệp, nhưng trên thực tế nơi này chưa lập thủ tục thành lập khu công nghiệp. Bởi khu này chưa có hồ sơ môi trường của dự án được duyệt, chưa có thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Mới đây, một doanh nghiệp sản xuất đèn led trang trí đăng ký đầu tư vào khu công nghiệp Thuận Yên. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam đã không phê duyệt hồ sơ do khu công nghiệp không đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng bảo vệ môi trường. Đây là minh chứng điển hình cho một vấn đề bất cập đã tồn tại lâu nay, đó là đã hình thành khu công nghiệp nhưng không có khu xử lý nước thải.
Tính đến cuối năm 2024, tỉnh Quảng Nam có 59 cụm công nghiệp được thành lập, tổng diện tích hơn 1.600 hecta, trong đó, 53 cụm đã có quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, diện tích đất công nghiệp đã thu hồi và giao cho doanh nghiệp tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt khoảng 50%.
Như vậy, có thể thấy cụm công nghiệp có vai trò động lực trong phát triển công nghiệp của các địa phương ở Quảng Nam. Thế nhưng, thời gian qua việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế từ mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật, xử lý môi trường đến những cơ chế, chính sách cụ thể. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu lại một số chính sách, cơ chế liên quan nhằm tạo điều kiện tối đa để đẩy mạnh thu hút đầu tư, góp phần giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, đồng thời hạn chế lãng phí tài nguyên đất đai và giải quyết tốt vấn đề môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!