Cả nước hiện có 6,1 triệu m3 lồng nuôi tôm hùm với sản lượng hơn 5.700 tấn mỗi năm. Năm 2024, xuất khẩu tôm hùm đã có sự tăng trưởng đáng kể, mang về khoảng 430 triệu USD, bằng khoảng 260% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong tổng kim ngạch xuất khẩu tôm hùm cả nước hiện vẫn chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc chiếm đến 98% và chủ yếu xuất theo đường tiểu ngạch. Bài toán lúc này là cần tháo gỡ các nút thắt để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch với loại thủy sản có giá trị này.
Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp tôm hùm Sông Cầu là 1 trong 2 hợp tác xã được các cơ quan Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ để triển khai dự án liên kết sản xuất và xuất khẩu tôm hùm theo chuỗi. Nhờ sự hỗ trợ này mà trong 6 bước của quy trình xuất khẩu tôm hùm chính ngạch gần như đã chuẩn bị xong, và cái còn lại duy nhất đang chờ là chính quyền giao mặt nước cho xã viên để có cơ sở cấp mã vùng nuôi. Đây là cơ sở để nhà nhập khẩu chính ngạch truy xuất nguồn gốc tôm hùm.
Để đẩy mạnh xuất khẩu tôm hùm chính ngạch, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp các địa phương xây dựng 2 chuỗi liên kết tôm hùm tại Phú Yên và Khánh Hòa. Đến thời điểm này, các quy trình gần như hoàn thiện. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2 rào cản lớn nhất là các hộ nuôi chưa được bàn giao mặt nước và nguồn giống tôm hùm. Hiện, hơn 90% giống tôm hùm đang phải nhập khẩu.
Năm 2024, sản lượng tôm hùm cả nước trong năm 2024 đạt hơn 5.780 tấn hiện nhưng đến 98% xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và hầu hết xuất khẩu tiểu ngạch. Giá trị sẽ tăng lên và đầu ra ổn định nếu tôm hùm xuất được nhiều thị trường. Vấn đề còn lại là làm sao, đẩy nhanh việc giao mặt nước cho các cá nhân và tổ chức nuôi tôm hùm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!