Với lợi thế bờ biển dài, ngư trường rộng, miền Trung là trung tâm nghề cá lớn của cả nước. Để góp phần phát triển ngành khai thác thủy sản, nhiều địa phương ở miền Trung như thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên đã từng bước đầu tư hạ để phục vụ nghề cá. Tuy nhiên hiện nay, việc đầu tư hạ tầng phục vụ cho tàu cá chưa đồng bộ, quy hoạch chưa hợp lý.
Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang Đà Nẵng được quy hoạch là cảng cá loại 2. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, khu liên hợp này luôn quá tải. Tàu cá của các tỉnh miền Trung đều đổ dồn về đây. Tàu cá này của ngư dân Quảng Ngãi vừa vào Đà Nẵng bán cá, tranh thủ mua nhu yếu phẩm để trở lại biển khơi. Theo ngư dân, do luồng lạch cửa biển ở Quảng Ngãi bị bồi lấp nên phần lớn tàu thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân tỉnh này đều chọn Đà Nẵng để cập bến.
Theo quy hoạch, khu liên hợp dịch vụ hầu cần nghề cá Thọ Quang khép kín gồm chợ cá đầu mối, âu thuyền và khu chế biến thủy sản, tổng diện tích 130 héc ta. Tàu thuyền nhiều nhưng khu neo đậu chưa đầy 60 héc ta. Thành phố Đà Nẵng vừa đầu tư hơn 100 tỷ đồng nâng cấp cảng cá, nhưng cao điểm, hơn 140 tàu cá cập bến, vượt quá năng lực giải phóng hàng hải sản, nhiều thời điểm tàu cá bị mắc kẹt do không có đường ra.
Trong khi âu thuyền và cảng cá Thọ Quang của thành phố Đà Nẵng luôn trong tình trạng quá tải thì nhiều cảng cá ở các tỉnh lân cận đìu hiu. Ngay như cảng cá Tam Quang, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư 200 tỷ để xây dựng khu liên hợp nhưng mỗi ngày chỉ có 10 tàu cá cập cảng. Thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương ở miền Trung, do luồng lạch bị bồi lấp, không đảm bảo an toàn, ngư dân không dám mạo hiểm cho tàu cá cập cảng. Ngoài ra, dịch vụ hậu cần như sửa chữa chưa được đầu tư, năng lực tiêu thụ hải sản hạn chế, giá thu mua hải sản thấp, giá phí tổn cao khiến nhiều cảng cá đìu hiu. Để hiện đại hóa ngành khai thác thủy sản miền Trung, quy hoạch đồng bộ hạ tầng phục vụ nghề cá phải đi trước một bước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!