Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế trao quyết định thành lập Trung tâm Răng Hàm Mặt. (Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế)
Tại hội thảo, 6 tham luận nổi bật với các nội dung xoay quanh kỹ thuật mới như: Phẫu thuật xoay phức hợp hàm trên – hàm dưới; mắc cài mặt lưỡi; sử dụng vật liệu ghép dị loại và màng Textured d-PTFE (màng được thực hiện nhằm phẫu thuật ghép xương bảo tồn ổ răng)… Những ca bệnh được áp dụng các kỹ thuật này có kết quả lâm sàng tốt, tỷ lệ thành công cao. Trong đó, phương pháp điều trị mất răng toàn bộ hàm dưới bằng hàm phủ trên implant (công cụ làm bằng titannium, thay thế chân răng đã bị mất) chịu lực tức thì với hệ thống kết nội chụp lồng do Thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa II Lê Trung Chán, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh trình bày, đạt tỷ lệ thành công 100% (23 ca).
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Như Hải, Đại học quốc gia Hà Nội - một trong những chuyên gia đầu tiên cả nước thực hiện kỹ thuật mắc cài mặt lưỡi để thẩm mỹ chỉnh hình răng cho biết: Quy trình thực hiện kỹ thuật mắc cài mặt lưỡi tương tự như mắc cài mặt ngoài truyền thống, được chỉ định trong điều trị khe răng thưa, răng chen chúc nhẹ, khe cắn chéo phía sau, khớp cắn hở hay chỉnh nha để phẫu thuật. So với mắc cài mặt ngoài, phương pháp này có tính thẩm mỹ hơn, không ảnh hưởng tâm lý bệnh nhân, không gây tổn thương lớp men răng mặt ngoài, không sang chấn môi - má... Ngoài ra, áp dụng mắc cài mặt lưỡi còn có tác dụng điều trị đối với loạn năng khớp thái dương hàm.
Tham luận "Bảo tồn sống hàm với màng Textured d-PTFE" được Thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Văn Khoa, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Sau khi nhổ răng không sang chấn, nạo sạch ổ răng, có thể đặt màng Textured d-PTFE để ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn, mô mềm. Màng này có nhiều ưu điểm như không tiêu theo thời gian; không cần cố định bằng ghim hoặc vít; có thể kéo giãn, tạo hình và lấy bỏ màng dễ dàng. Ngoài ra, bảo tồn sống hàm với vật liệu ghép xương dị loại và màng Textured d – PTFE có khả năng duy trì kích thước nướu sừng hóa, đảm bảo cho sự lành mạnh lâu dài của mô quanh implant; giảm sự tiêu xương theo chiều ngoài – trong.
Nhân dịp này, Bệnh viện Trung ương Huế công bố Quyết định thành lập Trung tâm Răng Hàm Mặt (tiền thân là Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Trung ương Huế). Trung tâm ra đời với các nhiệm vụ: Duy trì, phát triển các kỹ thuật hiện có; hợp tác các cơ sở Răng – Hàm – Mặt Trung ương, tổ chức quốc tế để có thêm sự hỗ trợ về trang thiết bị, cập nhật kỹ thuật cao, kiến thức chuyên ngành; đồng thời chuyển giao chuyên môn kỹ thuật cho các đồng nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Giáo sư, Tiến sỹ Trịnh Đình Hải, Chủ tịch Hội răng hàm mặt Việt Nam ghi nhận những thành quả của Khoa Răng Hàm Mặt, nay là Trung tâm Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Trung ương Huế, mong rằng đội ngũ y bác sỹ của Trung tâm sẽ nỗ lực hơn nữa để phát triển chuyên môn, tạo mọi điều kiện để người dân trong khu vực có thể chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt nhất.
Ngoài các hoạt động chuyên ngành (nội nha, nhổ răng tiểu phẫu, pha chu, phục hình răng giả…), Trung tâm Răng Hàm Mặt Bệnh viện Trung ương Huế hiện nay đã triển khai được nhiều kỹ thuật cao ứng dụng công nghệ hiện đại như sử dụng Laser Diode, Laser CO2-Fractional trong điều trị bệnh nha chu, viêm nhiễm miệng mãn tính, phẫu thuật tiền phục hình… Trung tâm nhiều năm liền được công nhận tập thể lao động xuất sắc, nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế. Đặc biệt, 6 cán bộ viên chức của Trung tâm đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.