Tham dự Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các đoàn khách quốc tế.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã ôn lại những chiến công oanh liệt cùng những thành tựu mà Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ðắk Lắk đã đồng lòng, nhất trí xây đắp, kiến tạo trong 120 năm qua. Ðến nay, Ðắk Lắk đã trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá của cả nước; giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Giai đoạn 2021 - 2023, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7%/năm, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng; GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt gần 75 triệu đồng. Cơ cấu các ngành kinh tế có sự dịch chuyển tích cực, từng bước giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng; lĩnh vực nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững; diện mạo của tỉnh có nhiều đổi thay tích cực. Văn hóa xã hội đạt nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ðắk Lắk cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ 13 và Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Ðắk Lắk lần thứ 17 (nhiệm kỳ 2020 - 2025); đặc biệt là Kết luận số 67 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột; Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên; Nghị quyết số 72 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột và Quyết định số 1747 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Ðắk Lắk; nhằm tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và nhân dân, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2050 Ðắk Lắk "trở thành tỉnh có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo, là điểm đến yêu thích, đáng sống".
Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã công bố Quyết định và trao Bằng công nhận Bảo vật quốc gia "Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai" cho tỉnh Đắk Lắk. Viện Kỷ lục Quốc gia cũng trao 3 kỷ lục quốc gia cho tỉnh Đắk Lắk gồm: Đắk Lắk là tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất Việt Nam; Hồ Lắk, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk là hồ nước ngọt tự nhiên có diện tích lớn nhất khu vực Tây Nguyên - Việt Nam; Vườn quốc gia Yok Don, tỉnh Đắk Lắk có diện tích rừng khộp lớn nhất Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!