Tại khu vực rừng giáp ranh giữa huyện Đức Phổ và Ba Tơ (Quảng Ngãi) với huyện An Lão và huyện Hoài Nhơn (Bình Định), đơn vị trực tiếp quản lý cánh rừng là xã An Hưng, huyện An Lão. Nằm ở vị trí giáp ranh với nhiều địa phương và địa hình phức tạp nên việc quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong những nguyên do khiến cho rừng ở đây bị tàn phá, song chậm phát hiện. Đến lúc này, phần lớn số cây rừng ở tiểu khu 1 (xã An Hưng) bị đốn hạ gần 61 ha trong năm ngoái, vẫn còn nằm ngổn ngang. Nắng nóng kéo dài làm cho cây bị khô giòn rất dễ bắt lửa.
Mới bắt đầu mùa khô nhưng nhiều sông suối ở khu vực Nam Trung bộ đã khô kiệt, thiếu nước cục bộ. Nghiêm trọng hơn, có địa phương đã xảy ra hiện tượng cháy rừng.
Dù Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn xâm hại rừng. Nhưng nhiều tỉnh, thành khu vực miền Trung, rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá với quy mô lớn. Trước thực trạng này, tỉnh Bình Định đã chỉ đạo cho các địa phương lập chốt tại cửa rừng, phân ca trực 24/24h để ngăn chặn kịp thời các mối nguy hại đến tài nguyên rừng.
Thách thức trong bảo vệ rừng hiện nay là nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao nên nguy cơ cháy rừng luôn thường trực. Lực lượng bảo vệ rừng ở tỉnh Bình Định cũng thừa nhận, hiện chỉ làm công tác bảo vệ rừng và tuyên truyền toàn dân không xâm hại tài nguyên rừng. Còn một khi đã xảy ra hiện tượng cháy rừng, việc chữa cháy là vô cùng khó khăn. Bởi nguồn nhân lực tại chỗ mỏng, phương tiện chữa cháy dường như không có gì.