Yêu cầu được gửi tới Cục hàng không Việt Nam và 3 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific Airlines.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, trong thời gian qua, giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á, tỷ giá gốc ngoại tệ,…có nhiều biến động, đã làm ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của hãng hàng không Việt Nam.
Tuy nhiên, nhằm thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội và Chính phủ về việc thực hiện kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2018 ở mức dưới 4% để góp phần hỗ trợ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam thực hiện đúng khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không theo quy định; không thực hiện việc điều chỉnh tăng dải giá dịch vụ vận chuyển hàng không trong khung giá và điều chỉnh tăng các khoản phụ thu của hãng đối với hành khách mua vé máy bay trong năm 2018.
"Cục Hàng không Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không nghiên cứu lộ trình và khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hành khách và các hãng hàng không để thực hiện từ năm 2019," lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu.
Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam phải theo dõi, giám sát việc thực hiện khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không của các hãng hàng không theo quy định của pháp luật; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp không tuân thủ quy định.
Trước đó, cả ba hãng hàng không lớn trên cả nước là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific Airlines đều đã có văn bản đề xuất điều chỉnh mức giá phù hợp với thực tế giá xăng dầu tăng liên tục thời gian vừa qua.
Cụ thể, các hãng này đều khẳng định mức giá xăng dầu thời gian qua đã có sự gia tăng đáng kể, nhiều chi phí khác cũng tăng theo. Tuy nhiên, cả Vietjet và Vietnam Airlines chỉ báo cáo về biến động tăng chi phí, đề xuất điều chỉnh mức giá phù hợp và không đưa ra đề xuất mức giá cụ thể. Riêng Jetstar Pacific đề nghị tăng mức tối đa lên 25% so với quy định hiện tại.
Theo thống kê, biến động của chi phí đầu vào tại thời điểm đầu tháng Tám, giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á đang ở mức 88,7 USD/thùng, thuế nhập khẩu 7%, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít (tương đương khoảng 2,63 triệu đồng/thùng).
"Những yếu tố biến động của chi phí nhiên liệu và tỷ giá tác động làm chi phí bình quân một chuyến bay sẽ tăng khoảng 17% so với thời điểm tháng 8/2015," phía Cục Hàng không nhìn nhận.
Trong bối cảnh giá nhiên liệu và tỷ giá tiếp tục biến động tăng cao, các hãng hàng không hiện vẫn đang triển khai thực hiện đúng theo các mức giá đã kê khai với Cục Hàng không Việt Nam, đảm bảo không vượt giá trần.
Cụ thể, khung giá vé máy bay hiện hành đang được áp dụng theo quy định tại văn bản 5010 ngày 11/9/2015 của Cục Hàng không. Theo đó, giá vé máy bay nhóm đường bay phát triển kinh tế-xã hội dưới 500km sẽ là 1,6 triệu đồng/lượt, nhóm đường bay khác dưới 500km là 1,7 triệu đồng/lượt; từ 500km-800km là 2,2 triệu đồng/lượt; từ 850km-dưới 1.000km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000-dưới 1.280km giá 3,2 triệu đồng; từ 1.280km trở lên giá 3,75 triệu đồng/vé/chiều.
Mức tối đa khung giá vé này được áp dụng theo quyết định của Bộ Tài chính với giá áp dụng là 4.250 đồng/khách/km.
Đánh giá của lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng, mức giá kê khai tối đa của hãng hàng không chiếm tỷ lệ 76-99% so với mức giá trần quy định, tuỳ theo nhóm đường bay. Do đó, Cục Hàng không nhận thấy, việc xem xét điều chỉnh mức trần khung dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, đặc biệt là với tuyến đường dài cho phù hợp với sự biến động của giá nhiên liệu và các chi phí đầu vào có gốc ngoại tệ theo kiến nghị của các hãng hàng không là cần thiết.