Dọc theo con đường vào Khu du lịch sinh thái Măng Đen qua các xã Đắk Long, Đăk Tăng, Măng Cành của huyện Kon PLông, tỉnh Kon Tum; phía sau những bìa rừng tưởng chừng như yên tĩnh, là hiện trường giả đuợc cố tình chừa lại để ngụy trang, phía trong vài chục mét, cảnh tượng phá rừng mới thực sự lộ diện. Dấu vết vẫn còn nguyên vẹn khi nhiều diện tích rừng bị tàn phá để lấy đất. Tính chất nghiêm trọng của việc phá rừng này là xóa trắng, các đối tượng phá rừng cùng lúc đạt hai mục tiêu: lấy đất sản xuất và có gỗ để bán.
Để có những cánh rừng nguyên sinh quý hiếm như ở Kon Plong này, thiên nhiên phải kiến tạo hàng ngàn năm. Và những cánh rừng này cũng chính là những chiếc máy điều hòa khổng lồ giúp cho Khu du lịch Sinh thái Măng đen có được khí hậu như một Đà Lạt thu nhỏ. Với Kon Plong, và với Khu du lịch sinh thái Măng đen, mất rừng là mất tất cả, thế nhưng mọi biện pháp ngăn chặn xem ra vẫn chưa phát huy hiệu quả.
Có hay không chuyện: do các dự án công nghê cao ở Kon Plong thu hồi hết đất sản xuất của dân, nên dân phải đi phá rừng nguyên sinh để lấy đất làm nương rẫy, làm trang trại. Câu trả lời xin dành cho các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên trên thực tế, câu chuyện thật mà tưởng như đùa này mới chính là nguyên nhân làm bùng phát nạn phá rừng nguyên sinh ở đây.