Miền Bắc vừa trải qua đợt thiên tai thảm khốc, riêng các tỉnh miền núi, hệ thống hạ tầng giao thông bị phá hủy do sạt lở đất. Tại Miền Trung, mới đầu mùa mưa, chính quyền địa phương liên tục phát cảnh báo sạt lở và di dời nhiều ngôi làng đến nơi ở tạm. Theo nhận định sơ bộ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở ở miền núi, không loại trừ khả năng, khoét sâu vào chân núi mở đường làm gia tăng sạt lở. Điều này cho thấy cần có giải pháp bền vững hơn để xây dựng hạ tầng giao thông thích ứng với thiên tai khắc nghiệt hiện nay.
Để phát triển kinh tế miền núi, chính quyền các địa phương ở Miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Nam ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông. Mục tiêu đặt ra là "người dân ở đâu thì đường đến đó". Lợi ích của giao thông thì không ai phủ nhận, nhưng cứ đến mùa mưa, tình trạng sạt lở diễn ra phức tạp hơn. Mỗi năm, Quảng Nam đầu tư hàng trăm tỷ đồng để mở đường giao thông miền núi. Qua mùa mưa lũ, nhiều tuyến đường bị phá hủy buộc phải sửa chữa, nâng cấp. Làm đường, sửa đường ở miền núi như một điệp khúc, gây lãng phí lớn.
Với địa hình vùng núi cao, cần xem lại các dự án chỉ vì vài chục hộ dân mà nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng để mở đường vào làng dẫn đến sạt lở, phải dời làng. Cần sắp xếp lại dân cư thay vì xẻ núi mở đường như hiện nay. Với thiên tai khắc nghiệt, nên chú trọng đầu tư chất lượng các công trình giao thông ở miền núi đủ sức chống chịu với sạt lở thay vì chạy theo số lượng như thời gian qua. Ngoài ra, khi mở đường cần hạn chế tác động vào kết cấu của núi đồi cũng sẽ hạn chế sạt trượt đất như hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!