TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Chống thất thu tài nguyên khoáng sản

Đỗ Vinh, Lê HuyCập nhật 16:17 ngày 13/11/2024

VTV.vn- Sau một thời gian quản lý lỏng lẻo, hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã tăng cường công tác giám sát khai thác khoáng sản nhằm tránh thất thoát tài sản của quốc gia.

Khoáng sản là tài nguyên của quốc gia, tuy nhiên, suốt thời gian dài, việc cấp phép theo cơ chế xin - cho dẫn đến nhiều hệ lụy, thậm chí là sai phạm, thất thoát, lãng phí, kìm hãm sự phát triển. Đó là chưa kể, khi có được giấy phép khai thác, doanh nghiệp mặc sức bòn rút tài nguyên hàng chục năm, khi hết hạn giấy phép nhưng không hoàn thổ, phục hồi môi trường.

Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí, tăng cường công tác quản lý khoáng sản là yêu cầu bức thiết. Ngoài các quy định của pháp luật về quản lý khoáng sản, Nghị quyết số 10 ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện sự quan tâm và tầm nhìn của Đảng đối với lĩnh vực này.

Luật khoáng sản năm 2010 vẫn còn nhiều bất cập, thậm chí là có quá nhiều kẽ hở dẫn đến việc cấp phép, quản lý khai thác khoáng sản phát sinh tiêu cực. Từ việc cấp phép khai thác khoáng sản theo hình thức xin - cho thì nay chuyển sang đấu giá khai thác nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp bỏ thầu cao một cách bất thường nhưng sau trúng đấu giá bỏ cọc. Hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý khai thác khoáng sản được xem là chìa khóa để tránh lãng phí, thất thoát tài nguyên của quốc gia.

Từ cơ chế xin cho chuyển sang cơ chế đấu giá là bước tiến lớn nhằm làm lành mạnh hóa lĩnh vực khai thác khoáng sản, chống thất thu ngân sách. Tuy nhiên hiện nay, thay vì mừng khi doanh nghiệp bỏ giá cao hàng trăm lần so với giá khởi điểm thì chính quyền địa phương trở nên lo lắng. Nếu không hoàn thiện khung pháp lý, tình trạng đấu giá khai thác khoáng sản sẽ phản tác dụng.

Khoáng sản là tài quốc gia, sở hữu toàn dân và tác động trực tiếp đến mỗi người. Quản lý, khai thác có hiệu quả tài nguyên khoáng sản quý hiếm đến khoáng sản thông thường là trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Đã đến lúc chúng ta cần siết chặt công tác thăm dò, cấp phép khai thác và giám sát hoạt động khai khoáng này.

Thực tế được rút ra, nếu không thanh tra, kiểm tra, giám sát mà khoán trắng cho doanh nghiệp thì thất thoát ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản là điều tất yếu. Hệ lụy là, nhà nước không chỉ thất thu thuế tài nguyên, môi trường sẽ bị hủy hoại. Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đã đến lúc cần tăng cường quản lý và sử dụng có hiệu quả tài nguyên khoáng sản của đất nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TP Huế trực thuộc Trung ương - Xung lực phát triển mới cho doanh nghiệp

VTV.vn - Sự kiện Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã mở ra cơ hội để các doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế phát triển mạnh mẽ hơn.