Việc củng cố mạng lưới, tăng cường năng lực và đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, dự báo về các thị trường xuất nhập khẩu, thị trường trong nước của các cơ quan Nhà nước có chức năng cung cấp thông tin về thương mại - đầu tư là yêu cầu cấp thiết để các doanh nghiệp Việt Nam có thể kịp thời nắm bắt các thông tin, yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước đối tác CPTPP nói riêng và các đối tác nói chung, cũng như dự báo được nhu cầu của thị trường trong nước và ứng phó với sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu. Thời gian qua, ngành Công thương đã tăng cường các giải pháp để đẩy mạnh tuyên truyền thông tin, cung cấp số liệu cho cộng đồng doanh nghiệp nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các Hiệp định thương mại tự do CPTPP trong hoạt động xuất khẩu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, xuất khẩu gỗ và lâm sản 3 quý đầu năm 2024 ước đạt 12,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2023. Tuy nhiên với việc nhu cầu nhập khẩu từ thị trường Mỹ và EU giảm nên ngành xuất khẩu đồ gỗ tại Việt Nam đang gặp nhiều thách thức. Nhờ nắm bắt được các thông tin, số liệu cung cấp về hoạt động xuất nhập khẩu nên dù nhu cầu từ thị trường Mỹ và EU giảm, nhưng ngành gỗ Việt Nam vẫn có tăng trưởng đáng kể của thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do như CPTPP đã mở ra cơ hội giúp doanh nghiệp gỗ Việt Nam dễ dàng tiếp cận các thị trường mới.
Việc có số liệu chính xác về hiệu quả thực thi và tận dụng các FTA là rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Với số liệu chính xác, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ đánh giá được hiệu quả thực thi các FTA, tận dụng tốt hơn các FTA thế hệ mới CPTPP, xác định được những ngành, nhóm doanh nghiệp tận dụng tốt hay chưa tốt. Từ đó, có thể xây dựng các biện pháp hỗ trợ và thực thi hiệu quả hơn. Thời gian qua, ngành Công thương đã tăng cường tập huấn, đẩy mạnh tuyên truyền thông tin, cung cấp số liệu cho cộng đồng doanh nghiệp.
Hiện nay, số liệu về xuất nhập khẩu chủ yếu được cung cấp bởi Tổng cục Hải quan. Việc tính toán số liệu tận dụng các FTA theo từng địa phương, doanh nghiệp, mặt hàng hay từng hiệp định cụ thể như CPTPP vẫn tương đối phức tạp. Công tác thống kê số liệu về xuất nhập khẩu theo từng hiệp định, địa phương, ngành hàng hay từng nhóm doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, số liệu này không phải lúc nào cũng sẵn có.
Từ thực tế trên, để nâng cao hiệu quả công tác cung cấp dữ liệu xuất nhập khẩu, các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp tốt hơn trong công tác thống kê, hướng đến số liệu liên quan thực thi tận dụng FTA nhất là các hiệp định thế hệ mới CPTPP. Ngoài đẩy mạnh các hội thảo, chương trình tập huấn, cung cấp thông tin đầy đủ trên trang web về các hiệp định, cam kết, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp cần nắm bắt diễn biến thực tế của thị trường, chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin trong nước và thế giới để đưa ra quyết định và hành động phù hợp.
Các hiệp định thương mại tự do FTA và các FTA thế hệ mới như CPTPP đang tạo dư địa lớn cho các ngành hàng của Việt Nam tăng doanh số xuất khẩu, kéo quy mô xuất khẩu cả nước "thăng hạng", đưa Việt Nam lọt Top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất. Với sự phát triển đáng khích lệ của doanh nghiệp khi tận dụng CPTPP, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường chính sách, nâng cao chất lượng thông tin và kết nối để giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển hơn nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!