Hằng năm cứ đến Ngày Thương binh Liệt sỹ, chính quyền và nhân dân xã Tiên Thọ (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) đều tổ chức thăm viếng và dâng hương tại Đài tưởng niệm những chiến sỹ và người dân đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh ngày 29/9/1954 đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ. Hơn 300 người đã bị Đế quốc Mỹ và Chế độ Ngô Đình Diệm tàn sát dã man song cuộc nổi dậy mãi là bài học quý giá về tinh thần đấu tranh quật cường của quân và dân miền Trung trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn ngang ngược vi phạm trắng trợn hiệp định, bằng cách truy lùng, bắt bớ, tra tấn thủ tiêu nhiều cán bộ, đảng viên ưu tú của cách mạng. Trước tình hình đó, sáng ngày 29/9/1954, đồng bào, cán bộ, đảng viên khắp nơi trong huyện Tiên Phước vốn thuộc Quảng Tín lúc bấy giờ, sôi sục khí thế tiến về chợ Cây Cốc, xã Tiên Thọ để đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã lệnh cho binh lính dùng xe tăng, lựu đạn... thẳng tay xả súng vào đoàn người tay không một tấc sắt.
Để tưởng nhớ những người đã ngã xuống, năm 1980, chính quyền và nhân dân huyện Tiên Phước đã cho xây dựng Tượng đài Cây Cốc ngay chính ngôi mộ tập thể của của những chiến sỹ và đồng bào ta đã ngã xuống. Tuy nhiên, di tích này theo thời gian cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Người dân và chính quyền địa phương đang mong mỏi một công trình xứng tầm hơn với những gì mà đồng bào đã hy sinh.
Cuộc đấu tranh Cây Cốc đã mở ra nhiều phong trào đấu tranh rộng khắp toàn miền Trung. Đánh giá đúng bản chất của sự kiện này sẽ là bài học quý giá cho thế trận lòng dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời đại ngày nay.