Chính quyền TP. Đà Nẵng từ lâu đã có chủ trương chấm dứt hoạt động nuôi trồng thủy sản tự phát trên các lồng bè để bảo vệ môi trường nước và đã triển khai nhiều đợt tuyên truyền, vận động bà con ngư dân tự giác tháo dỡ đồng thời tích cực kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ thu mua hải sản cho bà con.
Những ngày này, các lực lượng chức năng túc trực tại vịnh Mân Quang để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân tháo dỡ khoảng 60 lồng bè nuôi trồng thủy hải sản cuối cùng trên vịnh Mân Quang, TP. Đà Nẵng để trả lại cảnh quan mặt nước, bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo kế hoạch, từ nay đến đầu tháng 12, sẽ kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hộ không chấp hành, đảm bảo không để phát sinh lồng bè nuôi trồng mới từ năm 2022.
Nhiều người nuôi cá lồng bè trên vịnh Mân Quang đang chật vật tìm mọi cách để bán hết số thủy hải sản còn lại để kịp tháo dỡ lồng bè theo quy định của nhà nước. Đầu tư hàng tỷ đồng vào các bè cá, vừa trải qua cảnh lao đao vì dịch bệnh COVID-19, nay các ngư dân này lại như "ngồi trên lửa" khi thời hạn buộc tháo dỡ đã cận kề mà sức thu mua cá trên thị trường lại quá bấp bênh.
Việc chấm dứt nuôi cá lồng bè tự phát là chủ trương đúng đắn của chính quyền thành phố nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần đặt ra cho chính quyền các cấp sau cuộc "giải tỏa" mặt nước này, bởi tuy là hoạt động nuôi trồng tự phát, nhưng nuôi cá lồng bè đã giải quyết việc làm cho hơn 1 ngàn lao động và nay thì những con người này đang đứng trước nguy cơ mất nguồn sinh kế. Chính vì vậy cần có phương án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề hợp lý, và có kể hoạch triển khai nhanh chóng, cụ thể để ổn định đời sống cho người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!