TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Đà Nẵng hình thành cực tăng trưởng mới

Hoài Thu, Văn PhátCập nhật 09:32 ngày 15/11/2024

VTV.vn- TP Đà Nẵng đang hình thành cực tăng trưởng mới khi đặt mục tiêu trong giai đoạn 2025 - 2030, tỷ lệ đóng góp của Khu công nghệ cao cho tăng trưởng sẽ đạt tối thiểu 10 - 15%.

Theo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước. Như vậy, thành phố sẽ tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp trong những năm tới, trong đó, công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin được định hướng là một trong 3 trụ cột trong thời kỳ mới của nền kinh tế Đà Nẵng.

Có thể thấy, hoạt động công nghiệp Đà Nẵng thời gian qua tiếp tục có những chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu GRDP thành phố từ năm 2019 đến tháng 6-2024 tăng 1,56 điểm phần trăm. Trong cơ cấu nội bộ của ngành công nghiệp cũng chuyển dịch theo hướng giảm dần các ngành sản xuất thâm dụng đất đai, lao động, giá trị gia tăng thấp; tăng tỷ trọng các ngành, lĩnh vực sản xuất có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

Theo Ban quản lý các KCN và Công nghệ cao TP Đà Nẵng, năm 2024, Đà Nẵng đón rất nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và từ đầu năm đến nay đã cấp mới, điều chỉnh số vốn đầu tư 190 triệu USD, gấp 6 lần so với cùng kỳ. Lũy kế đến 7-2024, tại tất cả các KCN của Đà Nẵng thu hút được 523 dự án đầu tư, trong đó vốn đầu tư trong nước là 35 nghìn tỷ đồng và vốn đầu tư nước ngoài hơn 2 tỷ USD.

Căn cứ vào Danh mục Dự án kêu gọi đầu tư của Đà Nẵng thì trong tương lai, công nghiệp công nghệ cao dần dần sẽ trở thành ngành chủ đạo, bao gồm: công nghệ vi điện tử, công nghệ chip và vi mạch bán dẫn, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang - điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano. Suất đầu tư tối thiểu sẽ ở mức 15 triệu USD/ha.

Sau nhiều năm kêu gọi đầu tư, đến thời điểm hiện tại, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút 30 dự án, trong đó, 17 dự án trong nước và 13 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 1 tỷ USD. Xây dựng môi trường đầu tư thân thiện với các chính sách ưu đãi hấp dẫn là những chủ trương nhất quán của Đà Nẵng thực hiện trong nhiều năm qua để đặt nền móng cho sự phát triển bền vững dựa vào công nghệ.

Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đang được áp dụng nhiều chính sách ưu đãi mang tính đặc thù. Đó là Thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm; Dự án đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong 30 năm; Miễn thuế 4 năm, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo. Đặc biệt, nhà đầu tư còn được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản (tối đa 03 năm); miễn tiền thuê đất trong 19 năm đối với Dự án ưu đãi đầu tư, hưởng nhiều ưu đãi về thuế nhập khẩu; Xuất nhập cảnh, v.v. Và nhất là khi Khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu được hình thành vào năm 2025 thì đây cũng là một lợi thế riêng có của Đà Nẵng.

Ngoài Khu công nghệ cao, Đà Nẵng cũng đang chuẩn bị quỹ đất, cơ sở hạ tầng, đón đầu cho các nhu cầu hợp tác đầu tư, nghiên cứu về vi mạch bán dẫn, phần mềm, trí tuệ nhân tạo, đồng thời hoàn thiện hạ tầng đường truyền mạng cáp quang quốc tế, điện, giao thông, logistics v.v.

Đà Nẵng đặt mục tiêu tỷ lệ đóng góp của Khu công nghệ cao cho tăng trưởng đạt tối thiểu 10 - 15% giai đoạn 2025 - 2030. Để đạt mục tiêu này, Đà Nẵng cần có những chiến lược rõ ràng xuất phát từ thực tiễn, từ việc cải thiện môi trường đầu tư cho đến việc đồng hành cùng doanh nghiệp.

Cũng cần phải nhìn nhận một thực tế là Việt Nam nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng đang ở trong một cuộc cạnh tranh ngầm nhưng hết sức quyết liệt với nhiều đối thủ trong khu vực và thế giới nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực xu hướng, như vi mạch bán dẫn chẳng hạn. Việc tạo ra lợi thế cạnh tranh nổi bật chỉ có thể thông qua cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ sau đầu tư.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xây dựng vùng trồng hướng đến tiêu thụ sản phẩm

VTV.vn- Việc đăng ký mã số vùng trồng đang dần được nông dân quan tâm, bởi sản phẩm có mã vùng trồng không chỉ gia tăng giá trị cho sản phẩm mà còn tiêu thụ dễ dàng hơn.