TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Đà Nẵng trước áp lực nhiễm mặn nguồn nước

Đỗ Vinh, Mai Khương (VTV8)Cập nhật 14:10 ngày 30/06/2018

VTV.vn - Không chỉ đối mặt với nỗi lo thiếu nguồn nước sinh hoạt, cứ đến mùa nắng, hơn một triệu người dân thành phố Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ phải dùng nguồn nước nhiễm mặn.

Nhà máy nước Cầu Đỏ cung cấp nước cấp gần 90% lượng nước sinh hoạt cho người dân thành phố Đà Nẵng. 3 tháng trở lại đây, tình trạng xâm nhập mặn lấn sâu vào cửa cấp nước của nhà máy nước Cầu Đỏ. Theo lãnh đạo nhà máy nước này, độ mặn nguồn nước đầu vào có lúc đo được gần 1700 mg/l, gấp 7 lần độ mặn cho phép. Dù nhà máy nước Cầu Đỏ đã dùng nhiều biện pháp kỹ thuật để xử lý độ mặn để đưa về dưới ngưỡng cho phép nhưng nguồn nước thành phẩm vẫn có vị lợ. Nếu nắng nóng tiếp diễn, tần suất và độ nhiễm mặn sẽ tăng lên.

Để giảm độ mặn, Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng đã vận hành hệ thống bơm dự phòng từ đập An Trạch, cách nhà máy nước Cầu Đỏ chừng 10 cây số về nhà máy nước này. Độ mặn tiếp tục tăng cao, đơn vị này sẽ phải đóng kín cửa van nhà máy nước Cầu Đỏ trên sông Cẩm Lệ. Nhưng nếu chỉ bơm nước từ An Trạch về nhà máy nước Cầu Đỏ thì chắc chắn không cung cấp đủ nước sinh hoạt cho hơn một triệu dân Đà Nẵng và khách du lịch.

Từ khi thủy điện Đắk Mi 4 lấy nước sông Vu Gia phát điện nhưng xả về sông Thu Bồn khiến tình trạng nhiễm mặn ở Đà Nẵng càng nặng nề hơn. Hiện nay thủy điện Đắk Mi 4 chỉ xả nước về sông Vu Gia chừng 12m3/giây. Việc chống mặn hiện phụ thuộc hoàn toàn vào thủy điện A Vương và Sông Bung 4 nên gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết bài toán nhiễm mặn nguồn nước sinh hoạt, Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng đã đầu tư gần 300 tỷ đồng để nâng công suất nhà máy nước Cầu Đỏ thêm 120.000 m3/ngày đêm. Đồng thời sẽ xây mới nhiều nhà máy nước khác. Nhưng cho dù nâng công suất hoặc xây thêm nhà máy nước mà các thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia và Thu Bồn, trong đó có Đăk Mi 4 không xả nước thì trạng nhiễm mặn nguồn nước sinh hoạt của người dân Đà Nẵng vẫn sẽ tiếp diễn.