Tây Nguyên là vùng đất đa văn hóa với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống. Địa hình cư trú gắn với núi rừng nên nền văn hóa của Tây Nguyên mang hơi thở của rừng, trong đó phải kể đến những vật dụng làm từ tre, nứa, không chỉ làm nên những vật dụng phục vụ sản xuất và đời sống gia đình, người dân nơi đây đã sáng tạo thành những nhạc cụ làm đời sống tinh thần rộn ràng hơn.
Buổi ngoại khóa "Bảo tồn văn hóa nhạc cụ dân tộc từ tre nứa" được Trường THPT Dân tộc Nội trú Nơ Trang Lơng phối hợp với các nghệ nhân tổ chức giảng, dạy cho các em học sinh. Qua đó, các thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Từ những cây tre, nứa tưởng như vô tri, có thể cất lên những thanh âm đặc trưng. Trải qua một thời gian dài, những nhạc cụ này đã được nghiên cứu, cải tiến giúp người chơi có thể sử dụng để chơi tất cả các bài nhạc với tông khác nhau, âm vực rộng. Mỗi nhạc cụ khi cất lên, hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh âm nhạc sống động, đưa người nghe đi đến những miền cảm xúc bất tận của sáng tạo.
Với việc truyền dạy, nghiên cứu cải tiến sẽ giúp cho những nhạc cụ làm từ tre nứa đến gần với công chúng, với người yêu âm nhạc. Và hơn hết, giúp thế hệ trẻ am hiểu hơn về cội nguồn, về đời sống đồng bào các dân tộc sinh sống trên mảnh đất cao nguyên hùng vĩ này, qua đó chung tay bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!