Gần cuối năm ngoái, một doanh nghiệp cà phê tại tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu thành công 20 tấn cà phê đặc sản đầu tiên sang châu Âu, đánh dấu bước ngoặt, tạo đà để cà phê đặc sản Việt Nam hội nhập sâu vào thị trường thế giới.
Tuy nhiên, để có được cà phê đặc sản đủ chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới đòi hỏi quy trình khắt khe từ khâu trồng đến chế biến, bảo quản. Đây cũng là hướng đi mới của nông dân và doanh nghiệp tại những địa phương đang thực hiện Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.
Với những thị trường khó tính, cà phê đặc sản là sản phẩm giúp xây dựng giá trị, tăng khả năng cạnh tranh và uy tín của cà phê Việt Nam. Do vậy, từ sản xuất đến chế biến, nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình: Cà phê phải được hái chín trên 90%, ủ lên men tự nhiên, phơi trong nhà lưới, chọn lựa hạt tốt nhất, bảo quản lạnh dưới 25 độ C và độ ẩm khoảng 50%,v.v..
Trong đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến 2025, diện tích cà phê đặc sản sẽ đạt 11.500 hecta, chiếm khoảng 2% tổng diện tích cà phê cả nước. Do vậy, các địa phương đang xây dựng vùng nguyên liệu cho sản phẩm này, đi đôi với việc thay đổi lối canh tác và đào tạo nhân lực để thích ứng với quy trình sản xuất cà phê đặc sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!