Thôn 10 tháng 3, xã Ea Bông, huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) có 214 hộ với 1.084 khẩu. Những năm gần đây, số người mắc bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là bệnh ung thư nhiều hơn so với những thôn, buôn khác khiến người dân vô cùng lo lắng. Các hộ dân đều cho rằng nguyên nhân gây bệnh là do nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trưởng thôn Bùi Tạ Điển cho biết, từ năm 2012 đến nay, thôn có 35 người chết vì ung thư (vòm họng, xương, dạ dày, ruột), trẻ nhất là 2 tuổi, già nhất là 75 tuổi. Riêng năm 2015 có 7 người chết do ung thư, từ đầu năm 2017 đến nay số người chết vì căn bệnh này là 6 người.
Theo Bí thư Chi bộ thôn 10 tháng 3 Lê Tất Toong, thôn nằm biệt lập với các thôn, buôn khác trong xã, các hộ dân làm nhà ở ngay dưới chân đồi 10 tháng 3, ngay trong các rẫy cà phê, hồ tiêu. Trước đây bà con chỉ trồng hoa màu và cây lúa nước. Những năm gần đây, họ đã khai phá gần 100 ha đất rừng, đồi dốc để trồng cây công nghiệp dài ngày (cà phê, hồ tiêu, điều). Từ khi trồng cây công nghiệp các hộ dân đã sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật bón cho cây trồng, khi mưa xuống lượng thuốc bảo vệ thực vật còn tồn đọng theo dòng chảy ngấm vào nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân sống dưới chân đồi. Đây có thể là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh hiểm nghèo, trong đó có bệnh ung thư.
Trao đổi với phóng viên, Bác sỹ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho rằng, chưa thể khẳng định nguyên nhân gây bệnh ung thư tại thôn 10 tháng 3 là do ô nhiễm nguồn nước. Bác sỹ Lào lý giải, nếu trong nguồn nước có một chất độc nào đó gây bệnh thì chỉ có một hoặc hai loại ung thư, còn tại thôn 10 tháng 3 số người chết vì ung thư có nhiều loại khác nhau, nên cần được kiểm tra kỹ hơn. Bác sỹ Lào cũng khuyến cáo người dân không nên hoang mang, cần xử lý nguồn nước trước khi sử dụng, không sử dụng nguồn nước bị đục, có cặn bẩn, khuyến cáo các hộ dân có giếng khoan cần chia sẻ nguồn nước hợp vệ sinh để các hộ dân trong thôn cùng được sử dụng.
Chủ tịch UBND xã Ea Bông Nguyễn Xuân Khu cho biết, do điều kiện kinh tế khó khăn nên hiện 88% số hộ dân trong thôn 10 tháng 3 vẫn sử dụng giếng đào, độ sâu từ 5 đến 10m, hộ nào khá giả hơn thì sử dụng giếng máy và mua bình lọc nước về dùng. Qua kiểm tra nguồn nước giếng đào của các hộ dân, chính quyền xã nhận thấy giếng nước của bà con có màu vàng lợt, nhiều cặn bẩn, người dân không áp dụng các biện pháp lọc nước trước khi sử dụng. Trước đây, xã thuộc diện được xây dựng đề án cung cấp nước sạch tập trung cho các thôn, buôn khó khăn, nhưng do thôn 10 tháng 3 nằm biệt lập dưới chân đồi, cách xa so với các thôn, buôn khác, số hộ dân ít, sống không tập trung nên dự án không thực hiện được.
Trước mắt, UBND xã Ea Bông kiến nghị huyện Krông Ana và các cấp chính quyền sớm vào cuộc kiểm tra nguồn nước sinh hoạt, có biện pháp xử lý ô nhiễm; đồng thời có giải pháp hỗ trợ địa phương nguồn nước sạch cung cấp cho người dân.